1. Lịch sử nghiên cứu
Di tích khảo cổ mộ gạch Gia
Thủy phân bố ở giữa thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy - một xã miền núi nằm phía đông bắc
của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nhưng cảnh quan tự nhiên khu vực vẫn gắn
liền với vùng rìa châu thổ sông Hồng (Hình 1, 2).
Không
gian di tích hiện nay đã thay đổi toàn bộ bởi khu vực này hiện là trung tâm dân
cư của xã Gia Thủy. Từ năm 2002, khi xây dựng các công trình dân dụng người dân
đã phát hiện dấu hiệu di tích mộ gạch và thông báo cho các nhà nghiên cứu đến
kiểm tra (Nguyễn Gia Đối và nnk 2003: 478-479).
Cuối năm 2019, khi công nhân đào móng xây dựng công trình trường học đã làm lộ một kiến trúc mộ gạch. Tháng 2/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khẩn cấp ngôi mộ đã xuất lộ (ký hiệu 20.GT.M1). Đến tháng 7/2020, hai cơ quan tiếp tục phối hợp khai quật nghiên cứu ngôi mộ gạch thứ hai (ký hiệu 20.GT.M2) - ngôi mộ mà dấu tích của nó đã được phát hiện và thông báo từ năm 2002.
2. Cấu trúc các ngôi mộ
2.1. Mộ gạch ký hiệu 20.GT.M1
Mộ nằm ở góc
tây bắc Trường Tiểu học Gia Thủy, tọa độ địa lý 20022’53.3”N và 105047’54.7”E,
trên một gò đất cổ cách sông Bôi 550m về phía đông.
- Cấu trúc gò và huyệt mộ: Gò mộ đã bị san bạt, phần còn
lại là lớp đất đắp từ sét mịn màu nâu vàng, rất thuần, còn dày 0,7m. Huyệt mộ
hình chữ nhật được đào vào lớp đất tự nhiên của gò đến lớp đất laterite màu
vàng đỏ lẫn sỏi đá ong, rất cứng chắc. Trước cửa mộ ở hướng bắc có rãnh đào dốc
khoảng 150 làm đường xuống mộ (mộ đạo) đã được lấp lại bằng đất phù
sa cát mịn màu xám, rất mềm. Mộ đạo hình thang cân với mặt trên rộng 1,68m, mặt
dưới rộng 1,44m, cao 0,7m.
- Cấu trúc mộ: Mộ
gạch có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật có mái vòm, hướng mộ bắc - nam, cửa mộ
ở hướng bắc, lòng mộ chia 2 thất. Thân mộ xếp một hàng gạch dọc, cửa chính xếp
3 hàng và của hậu thất gồm 2 hàng gạch. Quá trình khai quật xác định mộ đã
nhiều lần bị xâm phạm do nạn đào trộm đồ và xây dựng công trình hiện đại khiến
mộ bị phá mất toàn bộ phần vòm mộ và một phần đầu mộ phía nam, chiều dài còn
lại 7,7m (đầu phía nam bị phá), rộng 2,1m (Hình 3a,b,c; hình 4).
Vật liệu xây mộ là gạch chữ nhật và gạch múi bưởi. Gạch chữ nhật được
dùng để lát nền và xây tường, kích thước phổ biến dài 0,385m, rộng 0,185 - 0,2m,
dày 0,045m. Gạch múi bưởi được sử dụng để xây cuốn vòm, kích thước phổ biến dài
0,385m, rộng 0,185 - 0,2m, dày một cạnh 0,045m và cạnh còn lại 0,02m. Gạch có
màu đỏ sẫm loang vân vàng nhạt, độ nung thấp, do nằm trong đất lâu năm nên rất
mềm, mủn. Một cạnh dọc của các viên gạch được in hoa văn trang trí với 4 dạng
phổ biến: trám lồng nối tiếp trong khung đơn, trám lồng trong khung đơn ở giữa
có hai nửa trám đơn, trám đơn nối tiếp trong khung kép... Mặt trang trí hoa văn
đa phần được xếp quay vào lòng mộ (Hình 3d).
+ Tiền thất: hình chữ nhật, kích thước phủ bì 4m x 2,05m, chỗ cao nhất còn lại 1,05m. Phía tiếp giáp hậu thất có tạo cửa giả. Kích thước lòng gian: chiều dài 3,5m, chiều rộng 1,24m; cửa giả dài 1,83m và rộng 1,7m. Phần tường tiếp giáp giữa tiền thất và cửa giả, ở hai bên tường có một viên gạch được xếp chìa ra 0,15m trong đó viên bên tường trái bị gãy tại chỗ còn gắn lại được, viên bên phải đã bị gãy mất (Hình 3e). Đây có thể là hai viên gạch xếp chìa ra làm chỗ đặt đĩa đèn. Cửa mộ rộng 1,12m, còn dấu tích rõ ràng của việc chèn lấp bằng cách xếp gạch lấp kín cửa sau khi đưa chủ nhân ngôi mộ vào trong.
+ Hậu thất: được xây dựng hình chuôi vồ, với chỗ tiếp giáp tiền thất mở rộng và thu hẹp ở phần cuối mộ, chiều dài còn lại 2,98m, chỗ cao nhất còn lại 0,835m. Cửa thông từ tiền thất vào hậu thất rộng 0,9m, được làm bằng cách cuốn thêm một lượt gạch ở phía trong tường hậu thất tạo trụ chịu lực chung cho tường hậu thất và tiền thất, bề rộng của trụ bằng chính chiều dài của viên gạch khoảng 0,38m. Phần cuối hậu thất đã bị xâm phạm do việc xây dựng trường tiểu học gây nên.
Đáy mộ được lát bằng các viên gạch bìa hình chữ nhật, có xu hướng dốc nhẹ từ trong mộ ra ngoài và chia thành hai cấp: nền hậu thất cao hơn nền tiền thất một cấp bằng độ dày của viên gạch khoảng 0,045m.
- Đồ tùy táng: đã bị thất lạc nhiều, những hiện vật còn lại gồm 1 gương đồng, 1 chậu đồng mủn nát, 1 hạt cườm bằng vàng, 3 hạt cườm bằng đá ngọc và nhiều đồ gốm men, đồ sành đã bị vỡ nát. Chiếc gương đồng có đường kính 11.5cm, dày 1.15cm, đặt nằm sát cửa hậu thất, mặt nhẵn ở trên mặt hoa văn ở dưới, mặt soi có dạng cầu lồi được làm rất bóng, mặt dưới trang trí hoa văn rất tinh xảo, ở giữa là núm hình cầu nổi cao có tạo lỗ để gài móc treo hoặc tay cầm. Từ núm cầu ra viền ngoài có 4 băng hoa văn: băng chính rộng nhất có trang trí 4 linh vật lần lượt gồm 1 rồng, 1 hổ, 1 lân và 1 con chim nhỏ chia thành hai cặp chụm đầu vào nhau, trong đó đặc điểm đáng chú ý nhất là sự hiện diện của hoa văn hình con chim với phong cách trang trí khá gần gũi với motif trang trí chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn. Phía ngoài băng hoa văn chính có 2 vành hoa văn răng cưa và 1 vành hoa văn vạch ngắn song song tạo viền để làm nổi bật băng hoa văn chính (Hình 5).
2.2. Mộ gạch ký hiệu 20.GT.M2
Mộ 20.GT.M2 có tọa độ 20°22'53.0"N và 105°47'55.4"E, nằm song
song với mộ 20.GT.M1 theo trục đông tây và cách nhau 30m.
- Cấu trúc gò và huyệt mộ: tương tự mộ
20.GT.M1, gò mộ 20.GT.M2 cũng đã bị san bạt, lớp đất đắp tạo gò mộ là đất sét
mịn màu nâu vàng rất thuần. Huyệt mộ đào vào đất laterite đồi gò lẫn nhiều sỏi
đá ong cứng chắc. Trước cửa mộ có rãnh đào dốc khoảng 150 làm đường
xuống mộ (mộ đạo) và được lấp lại bằng đất phù sa cát mịn màu xám có nhiều gạch
múi bưởi lớn đổ lộn xộn.
- Cấu trúc mộ: Mộ có cấu trúc hình chữ nhật có
mái vòm, chiều dài 8,46m, chia thành ba gian tiền thất, trung thất và hậu thất.
Trung thất được tạo rộng nhất 3,5m, tiền thất và hậu thất có chiều rộng 2,5m.
Tường mộ được xếp hai lớp gạch, đều là gạch múi bưởi xếp đảo đầu đuôi để tạo
thành mặt phẳng. Đáy mộ lát gạch tương tự gạch xây tường và vòm cuốn. Cửa mộ
hướng bắc, đã được lấp lại bằng gạch và đất sét. Mái vòm mộ đã bị bạt mất,
trong lòng mộ đã bị đào phá nhiều lần. Do sử dụng chỉ một loại gạch múi bưởi
nên dù mộ có quy mô lớn nhưng tường gạch lại không có sự phẳng phiu quy chuẩn
như đa số những ngôi mộ gạch cùng loại đã phát hiện từ trước đến nay ở Bắc bộ
Việt Nam (Hình 6, 7). Gạch có kích thước trung bình 0,5 x 0,23 x 0,05m - 0,03m,
một cạnh bên được trang trí hoa văn với các mô típ khác nhau dạng: chữ S, ô trám đơn, ô trám lồng, ô
trám kết hợp, xương cá, văn hình đồng tiền… trong đó văn vạch đơn kết hợp ô trám
lồng phổ biến nhất (Hình 8).
+ Tiền thất: hình chữ
nhật, kích thước phủ bì rộng 2,6m, dài 1,9m; kích thước lòng gian dài 1,33m,
rộng 1,58m, cửa mộ rộng 1,1m. Cửa mộ được tạo bởi 3 lượt trụ cuốn xếp chồng lên nhau trong đó 2 hàng
ngoài chính là tường tiền thất. Cửa mộ bị lấp bằng cách xếp chèn các viên gạch theo từng hàng
áp nghiêng tạo hình xương cá. Đoạn tường cao nhất còn lại 1,04m với 17 hàng tường đứng và 4
hàng tường cuốn vòm dưới cùng. Gạch lát nền tiền thất xếp ngang.
Gian này có một vài hiện vật gốm men và sành tùy táng. Giữa tiền thất và trung thất được tạo trụ
gạch có tác dụng liên kết các hàng tường dọc lại với nhau thành khối vững chắc.
+ Trung thất: hình
chữ nhật xoay ngang so với hai gian còn lại, kích thước phủ bì dài 2,33m, rộng
3,5m; kích thước lòng gian dài 1,88m, rộng 2,42m, cửa mở ra gian tiền thất rộng
1,02m. Mỗi bên tường
được mở rộng thêm so với hậu thất và tiền thất bằng khoảng rộng của 2 lớp tường
gạch. Đoạn tường cao nhất còn lại 1,04m, với 17 hàng gạch và 4 hàng gạch cuốn
vòm còn lại. Gạch lát nền trung thất xếp ngang tương tự tiền thất.
Đây là gian đặt đồ tùy táng với nhiều đồ gốm men, đồ sành. Trong gian này còn
tìm được 2 hạt chuỗi hình quả nhót làm bằng đá ngọc. Giữa trung thất và hậu
thất cũng được tạo trụ tương tự ở giữa tiền thất và trung thất.
+ Hậu thất
hình chữ nhật kèo dài theo trục dọc của ngôi mộ, kích thước phủ bì dài 4,26m,
rộng 2,5m; kích thước lòng gian dài 3,26m, rộng 1,46m; cửa mở ra
gian trung thất rộng 1,02m. Tường hậu thất cao còn lại 1,05m. Gạch lát nền
xếp dọc theo trục của ngôi mộ. Trong gian này tìm thấy 1 gương đồng tùy táng
đặt sát cửa ra trung thất, 1 hạt chuỗi hình quả nhót làm bằng đá ngọc và một số
vò sành.
Tường bít đốc hậu thất còn lại 21 hàng gạch, cao 0,96m; đầu tường đốc, trên hàng xếp thứ 4 có tạo lỗ thông ra ngoài bằng cách xếp nghiêng hai viên gạch múi bưởi tạo lỗ rỗng hình chữ nhật 0,115 x 0,225m, sâu 0,38m. Về chức năng, đây là lỗ thông linh giúp linh hồn người chết về với thế giới bên kia.
- Di vật: Trên nền mộ đặt đồ tuỳ táng theo từng khoang như sau: Tiền thất có 2 mảnh của 1 âu gốm, 1 đĩa sâu lòng, 1 nắp gốm và 1 chén (nhĩ bôi) vỡ. Trung thất là nơi tập trung nhiều đồ tùy táng của mộ với 33 hiện vật bình, chén (nhĩ bôi), ấm ba chân, bát, đĩa, âu, muôi, vò…, nhiều mảnh gốm men, gốm đất nung và tiền đồng mủn nát. Hậu thất, sát thành phải cửa có 1 gương đồng lớn đã bị mủn nát tại chỗ, giữa lòng hậu thất có 1 hạt chuỗi đá giống như hai hạt đã phát hiện ở trung thất, gần cuối mộ có 1 nắp gốm men, mảnh của 1 vò gốm men và 1 vò đất nung lớn.
Nhóm hiện vật gốm men ở mộ 20.GT.M2
đa phần là những bản mô phỏng của đồ đồng thời Tây Hán được sản xuất ở lò Tam
Thọ (Thanh Hóa). Những đồ gốm men này được sản xuất phục vụ tầng lớp quan lại,
quý tộc. Sau khi gắn chắp, phục nguyên hình dạng những đồ tùy táng gốm men bị
vỡ nát đã thu được 6 âu có nắp, 1 thố có nắp, 1 nồi miệng rộng, 3 bát tô chân
cao, 2 đĩa miệng rộng là đồ đựng các món ăn; 2 muôi cán trang trí đầu rồng có
hình dáng như muôi hiện đại dùng để múc canh; 5 vò miệng loe đáy bằng, 1 gáo có
cán trang trí đầu rồng, 1 bình hình con tiện, 1 nậm rượu, 6 chiếc nhĩ bôi, cùng
nhiều đồ đựng khác. Có thể thấy đây là một trong số ít sưu tập đồ gốm men có
loại hình và số lượng hiện vật phong phú được chôn theo chủ nhân ngôi mộ ở miền
Bắc Việt Nam đã được biết đến nay (Hình 9, 10).
3. Niên đại và chủ nhân di tích
Hai ngôi mộ Gia Thủy có
cấu trúc mặt bằng với các gian phòng bố trí thành các gian phòng đặt thi hài
chủ nhân ngôi mộ và các đồ tùy táng mang đặc trưng phổ biến của loại hình mộ
gạch thời Hán theo phân loại của Wei Weiyan (Wei Weiyan 2017). Gạch xây dựng mộ
với các đồ án hoa văn trang trí là ô trám đơn, ô trám lồng, hình đồng tiền…
cùng với những mảnh vò gốm in văn ô trám nhỏ, những đồ gốm men và các gương
đồng phát hiện trong lòng mộ mang đặc trưng của các hiện vật thời Đông Hán. Như vậy, thông qua
các yếu tố cấu trúc mộ, phong tục chôn cất và đồ tùy táng có thể xác định khu
mộ Gia Thủy có niên đại thế kỉ 1 - 2 CN.
Giống như rất nhiều mộ gạch đã được phát hiện khác, mộ
gạch Gia Thủy không còn dấu vết hài cốt nhưng dựa vào kỹ thuật xây dựng mộ, kích
thước của quách mộ và đồ tùy táng còn lại trong mộ, cũng có thể dự đoán được
chủ nhân của hai ngôi mộ này là người có địa vị cao trong xã hội. Chủ nhân ngôi
mộ có thể là quan lại, quý tộc người Hán nhưng cũng có thể là thuộc tầng lớp
trên của cư dân bản địa mang ảnh hưởng của văn hóa Hán, có sự cộng tác với
chính quyền phương Bắc. Việc quan lại, quý tộc người địa phương được chôn cất
theo phong tục Hán hóa không phải là trường hợp cá biệt. O.Janse từ những năm
1930 khi nghiên cứu về những ngôi mộ gạch ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ cũng đã nhận
thấy có nhiều mộ thuộc về những người địa phương không phải người Trung Hoa, tuy
vậy, công trình mộ cũng như những đồ vật chôn trong mộ ảnh hưởng phong cách
Trung Hoa rất lớn (O.Janse 2001: 122).
Trong hai ngôi mộ Gia
Thủy, đặc biệt là mộ 20.GT.M2 có hiện tượng hiện vật bị đập vỡ từ khi mai táng
chủ nhân ngôi mộ, bởi nhiều hiện vật trong tình trạng vỡ nát không nằm nguyên
vị trí nhưng khi phục dựng vẫn còn khá đầy đủ. Mặc dù mộ bị xâm hại nặng lề
nhưng những dấu hiệu trên cho thấy khả năng có một nhóm hiện vật đã bị cố ý đập
vỡ, làm cho chúng bị hư hại trước khi chôn. Hiện tượng này cũng đã được O.Janse
nghiên cứu từ năm 1934. Ông cho rằng đây là một tín ngưỡng phổ biến rộng rãi
trong dân chúng miền núi ở Đông Dương, những người sùng bái tự nhiên thì tất cả
mọi vật trong thiên nhiên đều có linh hồn, điều này có nghĩa rằng mọi vật đều
có đời sống của nó. Quan niệm này đã đem lại những phong tục và tập quán riêng.
Bằng cách làm tổn hại (làm “thương tổn” hoặc “làm đau”) một vật, người ta có
thể giết nó và như vậy là giải thoát linh hồn nó. Trong trường hợp nghiên cứu
mộ gạch thời Hán ở Đông Sơn (Thanh Hóa), khi được hỏi về phong tục này, O.Janse
và cộng sự đã nhận được câu trả lời của người dân địa phương: “nếu đồ vật không
được làm vỡ, hư hỏng thì làm sao người chết có thể sử dụng chúng được trong đời
sống của họ”. Cũng theo ông, hiện tượng đập vỡ đồ vật để chôn theo người chết
còn xuất hiện ở một số nơi trên thế giới ở các khung thời gian khác nhau: Ở một
số di chỉ phát hiện ở Bắc Âu có niên đại từ 250 - 550, có một số đồ vật được
làm hư hỏng một cách cố ý trước khi chôn xuống đất làm vật tế thần. Những bộ
lạc ở Miến Điện thường chôn hoặc đặt trên mộ những người vừa chết một số đồ vật
đã bị đập vỡ hoặc làm cho hư hỏng (O.Janse 2001: 156-157).
Tại ngôi mộ 20.GT.M2 còn
thấy có hiện tượng cửa mộ bị mở ngay sau thời điểm chôn cất. Có lẽ hiện tượng
này liên quan đến việc cải táng người chết. Ngôi mộ 20.GT.M2 có quy mô lớn, đồ
tùy táng gồm nhiều đồ gốm cao cấp mô phỏng theo nhóm đồ đồng, đồ đồng, đồ trang
sức bằng đá mã não… cho biết khả năng đây là quan lại cao cấp người phương Bắc
và việc chôn cất ở mộ này chỉ là việc làm tạm thời. Sau một thời gian, có lẽ
chủ nhân ngôi mộ được cải táng đưa về cố hương. Hiện tượng cải táng này cũng đã
thấy ở một số ngôi mộ gạch đã được khai quật nghiên cứu ở nhiều nơi tại Bắc bộ
và Bắc Trung bộ Việt Nam (O.Janse 2001: 222-223).
Kết quả nghiên cứu di tích mộ gạch ở Gia Thủy, cùng những thông tin về
những khu một gạch khác ở khu vực tỉnh Ninh Bình là những phát hiện
và nghiên cứu quan trọng góp phần làm rõ hơn lịch sử vùng đất Ninh Bình ở giai
đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Khu mộ cũng đã cung cấp thêm
nhiều thông tin khoa học về đề tài mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc
Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan Tiến Ba 1988, Mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Khảo cổ học, số 1-2: 92-106.
- Nguyễn Gia Đối, Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Cao Tấn (2003), Khu di tích mộ gạch và nền móng kiến trúc cổ ở Mỹ Hạ (Ninh Bình), NPHMVKCH năm 2002, Nxb KHXH, tr 478-479.
- Olov Janse (2001), Bí mật của cây đèn hình người, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
- Pearson M.P. (2005), Archaeology of Death and Burial, Texas A&M University Press.
- Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Thơ Đình, Nguyễn Xuân Khang, Phạm Tuấn Luân 2021, Kết quả khai quật khẩn cấp di tích mộ gạch tại Trường tiểu học xã Gia Thủy (Nho Quan, Ninh Bình) tháng 2 năm 2020, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2020, Nxb KHXH, Hà Nội.
- Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Thơ Đình, Nguyễn Cao Tấn, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Xuân Trường 2021. “Kết quả khai quật mộ gạch Gia Thủy (Ninh Bình) năm 2020”, Khảo cổ học (số 4): 55-65.
- Lê Bá Thảo 1977, Thiên Nhiên Việt Nam, Nxb KHKT, Hà Nội.
- Wei Weiyan 2017. The Archaeological Research on the Han Style Tombs in Vietnam. China.
Tóm tắt:
Di tích khảo cổ mộ gạch Gia
Thủy phân bố ở giữa thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy - một xã miền núi nằm phía đông bắc
của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trong năm 2020, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật hai ngôi
mộ gạch do người dân địa phương làm lộ ra. Hai ngôi mộ đều có cấu trúc hình chữ
nhật, cửa mộ hướng Bắc, vòm mộ bị bạt mất; lòng mộ thứ nhất chia
thành 2 thất; lòng mộ thứ hai chia thành 3
thất. Gạch xây mộ đa số được trang trí hoa văn chữ S, ô trám đơn, ô trám lồng, ô trám kết hợp, xương
cá, hình đồng tiền… Đồ tùy táng gồm hạt chuỗi bằng vàng, đá
ngọc, đồ đồng, gốm men và đồ sành có đặc điểm thời Đông Hán. Niên đại di tích thế
kỷ I - II. Kết quả nghiên cứu di tích có ý nghĩa lớn góp
phần làm rõ hơn lịch sử vùng đất Ninh Bình và Bắc Việt Nam ở giai đoạn 10 thế
kỷ đầu Công nguyên.