image banner
Diện mạo văn hoá Ninh Bình 10 thế kỷ đầu công nguyên
Lượt xem: 575

1. Lời mở đầu

Ninh Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Bắt đầu với những dấu tích con người thời tiền sử ở Tam Điệp đến các dấu tích cư trú của con người các giai đoạn đá mới, kim khí và lịch sử phát triển mở rộng hầu khắp khu vực vùng núi đá vôi của tỉnh. Sự hiện diện của các nhóm di tích theo các giai đoạn từ sớm đến muộn, phân bố từ vùng núi xuống đồng bằng, đã góp phần minh chứng cho quá trình chiếm lĩnh và làm chủ đồng bằng châu thổ sông Hồng của cư dân Việt cổ.

Trong 10 thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Ninh Bình là vùng đất có vị thế địa quân sự, địa chiến lược quan trọng, là vùng cửa ngõ chốt chặn giữa Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hán nên đã được chính quyền phong kiến phương Bắc quan tâm cai trị. Nhiều dấu tích mộ táng của quan lại cấp cao và tầng lớp trên của xã hội thời đó vẫn còn hiện hiện đến nay là một minh chứng rõ ràng.

Từ thế kỷ X các di tích khảo cổ liên quan đến hai vương triều Đinh - Tiền Lê và nhà nước Đại Cồ Việt xuất lộ đậm đặc, đặc biệt là ở Cố đô Hoa Lư và các khu vực lân cận. Hệ thống di tích khảo cổ nghiên cứu từ trước đến nay đã cơ bản khẳng định Kinh đô Hoa Lư có một vai trò không thể thay thế trong lịch sử dân tộc, là mạch nguồn hình thành Kinh đô Thăng Long và nghệ thuật Lý Trần phát triển rực rỡ trong lịch sử - nghệ thuật Việt Nam.

Kết quả từ các đợt công tác nghiên cứu lịch sử - khảo cổ trong thời gian qua ghi nhận vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên đã có những hoạt động sôi nổi và sớm trở thành một trong những trung tâm lịch sử - văn hóa - chính trị - xã hội có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành quốc gia, dân tộc.

2. Ninh Bình thời Bắc thuộc

- Ninh Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời của người Việt cổ, là nơi lắng đọng nhiều lớp trầm tích của các tộc người bản địa cư trú từ thời tiền sử liên tục cho đến khi tiếp nhận những ảnh hưởng về chính trị - xã hội - văn hóa từ phương Bắc ở những thế kỷ đầu Công nguyên thể hiện qua những phát hiện khảo cổ học và những di tồn văn hóa dân gian.

Với môi trường tự nhiên thuận lợi, trên mảnh đất Ninh Bình từ rất sớm đã có dấu ấn cư trú của con người. Chúng ta đã biết những di tích hang động cổ sinh, cổ nhân ở vùng núi Tam Điệp cho đến các di tích hang động đá mới thuộc các văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút được phát hiện rộng khắp ở các vùng núi đá vôi Tam Điệp, Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn… Trong đó, có những cụm di tích quan trọng như cụm di tích hang động tiền sử Tràng An (Hoa Lư) niên đại từ trên dưới 30.000 năm đến khoảng 4.000 năm trước đã góp phần minh chứng cho sự hiện diện của con người từ rất sớm chiếm lĩnh và chinh phục tự nhiên, là nơi chứa đựng các thông tin về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian, và là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Đông Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, động vật và các tác nhân khác.

Sau đợt biển tiến Quảng Xương (đợt biển tiến cuối cùng tính tới thời điểm hiện tại) cách ngày nay từ 2.500 đến 1.500 năm cách này nay, nước biển rút dần cũng là thời điểm cư dân cổ xuống chiếm cư khai phá vùng đất ven sông, ven biển lập ra các khu cư trú trên những bậc thềm phù sa cổ ven sông và từ đó tiến xuống chiếm cứ những bãi bồi ven biển trên nền phù sa mới mà những dấu tích còn lại là những di tích, di vật khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện trong khu vực. Trong đó, quan trọng nhất là sự hiện diện của sưu tập trống đồng ở thôn Mống (xã Yên Quang), xóm Thạch La (xã Thạch Bình), xã Văn Phong, thôn Công Luận (Gia Tường), trống Đồi Đống (xã Sơn Lai) huyện Nho Quan là những trống thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại thế kỷ I - II trước, sau Công nguyên và trống Mường có niên đại trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thể hiện khu vực này là một trong những địa bàn cư trú lâu đời của cư dân Việt cổ.

- Những phát hiện về các khu mộ gạch ở khu vực ngã ba sông Bôi và những dấu tích kiến trúc thuộc giai đoạn sớm ở Cố đô Hoa Lư ghi nhận về một khu vực là trị sở của huyện Vô Công/Vô Thiết thời Bắc thuộc ở những thế kỷ đầu Công nguyên.

Qua khảo cứu các nguồn tài liệu thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc về địa danh học lịch sử, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh xác định Ninh Bình thời thuộc Hán (111 trước CN - 203) thuộc hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Quận Giao Chỉ gồm 10 huyện Long Biên, Luy Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu và Chu Diên. Lúc này, một phần vùng đất Ninh Bình thuộc huyện Câu Lậu, ở dải đất hai bên bờ vùng cửa sông Đáy, tương đương với địa phận các huyện Yên Khánh, Yên Mô tỉnh Ninh Bình, huyện Ý Yên và một phần huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định ngày nay. Quận Cửu Chân gồm bảy huyện Tư Phố, Cư Phong, Hàm Hoan, Vô Biên, Vô Công, Dư Phát và Đô Bàng. Lúc này, một phần vùng đất Ninh Bình thuộc huyện Vô Công, tương đương với địa phận hai huyện Gia Viễn và Nho Quan tỉnh Ninh Bình ngày nay. Thời thuộc Ngô, Tấn và Nam Bắc Triều (203-581), năm 226 nhà Ngô chia Giao Châu thành Quảng Châu và Giao Châu. Năm 271, nhà Ngô lại chia quận Cửu Chân thành hai quận Cửu Chân và Cửu Đức. Quận Cửu Chân còn lại gồm sáu huyện Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Thường Lạc và Phù Lạc, tương đương địa phận tỉnh Thanh Hóa và hai huyện Gia Viễn, Nho Quan tỉnh Ninh Bình ngày nay. Còn vùng đất hai huyện Yên Khánh và Yên Mô vẫn thuộc huyện Câu Lậu quận Giao Chỉ như thời Hán. Thời thuộc Tấn và Nam Bắc Triều quận huyện vẫn cơ bản như thời thuộc Ngô, vùng đất Ninh Bình vẫn thuộc hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân[1].

Về tư liệu khảo cổ học, các đợt công tác trong những năm 2019 - 2021 vừa qua đã phát hiện trên đất Ninh Bình 6 khu vực phân bố mộ gạch có niên đại thời Đông Hán (thế kỷ I - III), chủ yếu phân bố ở vùng thượng lưu của ngã ba sông Bôi - sông Đập, thuộc địa bàn các xã Gia Tường, Gia Lâm, Gia Thủy (Nho Quan) và Liên Sơn (Gia Viễn). Phát hiện trên đã góp phần quan trọng mở ra một trang sử mới của vùng đất Ninh Bình, nó xác tín về sự hiện diện của một tầng lớp trên của xã hội - tầng lớp quan lại quý tộc cai trị ở vùng đất Ninh Bình từ đầu Công nguyên.

- Phát hiện về các di tích kiến trúc thời Đại La ở khu trung tâm Di tích Cố đô Hoa Lư xác định vị trí trị sở của đất Trường Châu thời thuộc Đường trên đất Ninh Bình.

Theo Đào Duy Anh, các nguồn tài liệu thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc cho biết, thời thuộc Tùy - Đường (581-907), Nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ quản lý toàn bộ vùng đất ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, cấp hành chính này ở khu vực nước ta nguyên là quận Giao Chỉ thời thuộc Tùy. Về mặt hành chính khu vực nước ta thời thuộc Đường được tổ chức thành bốn cấp là Đô hộ phủ, Châu, Huyện và Hương/Xã, phần lớn do quan lại người Trung Quốc trực tiếp nắm giữ. Đô hộ phủ trải qua nhiều tên gọi khác nhau tùy từng thời k, như Giao Châu đại tổng quản phủ (618-622), Giao Châu Đô hộ phủ (622-679), An Nam Đô hộ phủ (679-757, 766-862, 862-866), Trấn Nam Đô hộ phủ (757-766), Tĩnh hải quân tiết trấn (866-905)... Phạm vi không gian hành chính của An Nam đô hộ phủ bao gồm toàn bộ miền Bắc Việt Nam kéo dài đến Đèo Ngang (Quảng Bình), gồm 12 châu với 59 huyện. trong đó vùng đất Ninh Bình ngày nay thuộc Trường Châu gồm bốn huyện Đồng Thái, K Thường, Trường Sơn và Văn Dương[2].

Đợt khai quật năm 2021 ở Cố đô Hoa Lư vừa qua đã phát hiện các dấu tích kiến trúc thời Đại La mới xuất hiện một cách rõ ràng, quy mô và mặt bằng phân bố lớn với những lớp nền được đầm đắp kiên cố và hệ thống chân cột và gia cố chân cột được chôn âm vào sinh thổ ở khu vực cánh đồng Nội Trong, cho phép nhận diện về một khu trị sở cấp châu, huyện trước thế kỷ X ở vùng đất này. Kết quả khai quật đã xác định một lớp nền có sự gia cố tương đối kỹ lưỡng bao gồm sạn sỏi, cát thô và đất sét tạo nền kiến trúc và bên dưới gia cố một lớp gạch ngói vụn. Kiến trúc có sự tham gia của một hệ thống cột/cọc gỗ có kích cỡ to nhỏ khác nhau tạo nên những cụm gia cố có quy mô to lớn. Mặt bằng kiến trúc phân bố theo phương vị chính hướng bắc - nam, đông - tây. Những hiện vật gạch, ngói, sành, gốm sứ... thu được trong địa tầng phân bố kiến trúc đều có niên đại thuộc giai đoạn Đại La ghi nhận di tích có niên đại khoảng thế kỷ VII-IX.

Kết quả nghiên cứu so sánh ghi nhận hệ thống cọc gỗ tham gia kiến trúc ở Nội Trong - Hoa Lư có phương thức tạo tác và kỹ thuật xây dựng tương tự những kiến trúc gỗ thuộc giai đoạn Đại La đã được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long giai đoạn trước thế kỷ X. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu các loại gạch cùng thời giữa những hiện vật đã phát hiện ở Hoa Lư với các hiện vật đã phát hiện ở thành Luy Lâu (Bắc Ninh) và Thăng Long (Hà Nội) ghi nhận các loại hình hiện vật này đều có chất liệu, kích thước và hoa văn trang trí tương tự nhau. Ở Hoa Lư cũng phát hiện các loại ngói mang đặc trưng của giai đoạn Bắc thuộc như ngói ống kích cỡ lớn, màu xám có in dấu vải… như đã phát hiện phổ biến ở các di tích Luy Lâu (Bắc Ninh) và Hoàng thành Thăng Long. Những nghiên cứu so sánh trên cho phép khẳng định vùng Cố đô Hoa Lư là trị sở của đất Trường Châu thời thuộc Đường.

Những nhận định trên càng có cơ sở hơn nữa khi biết từ thế kỷ X biển nằm gần thành phố Ninh Bình ngày nay. Núi Dục Thúy khi đó nằm sát biển[3]. Đến thời Trần, Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) đi đánh Chiêm Thành trở về khi qua đây đã dừng thuyền ở cảng Phúc Thành, lên núi Dục Thúy và để lại bài thơ “Chinh Chiêm Thành hoàn chu bạc Phúc Thành cảng” (Đi đánh giặc Chiêm Thành về, đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành)[4]. Bài thơ cũng cho biết ở chân núi Dục Thúy thời điểm vua Trần Anh Tổng dừng chân có một xóm chài với những cư dân sống ở vùng chân núi ven biển[5].

- Ninh Bình xuyên suốt 10 thế kỷ đầu Công nguyên luôn luôn giữ một vai trò là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được chính quyền đô hộ phương Bắc quan tâm cai trị.

Bước vào ”đêm trường Bắc thuộc”, vùng đất Ninh Bình dù không phải là nơi có điều kiện tự nhiện thuận lợi, đồng bằng trù phú như các vùng đất còn lại ở châu thổ sông Hồng, sông Mã, nhưng sự hiện diện của các dấu tích kiến trúc quy mô lớn ở Cố đô Hoa Lư từ thời Hán đến thời Đại La cho biết nơi đây đã nhận được những sự quan tâm đặc biệt của chính quyền phong biến phương Bắc ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Sự quan tâm đó, có lẽ do vị thế chiến lược của vùng đất này, là ”yết hầu”, là chốt chặn quan trọng trong con đường liên lạc và mối quan hệ giữa hai vùng đất Giảo Chỉ và Cửu Chân trong lịch sử[6].

Ngoài ra, những chứng tích thể hiện ở những khu mộ gạch hiện diện Yên Mô (huyện Yên Mô), Sơn Lai, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (Nho Quan), Liên Sơn (Gia Viễn)... có niên đại từ thời Đông Hán cũng cho biết ngay từ đầu Công nguyên các quan lại và thương nhân người Hán có mặt ở vùng đất này khá nhiều.

Người phương Bắc đến cai trị, lập trị sở châu, quận, nhà cửa cư trú dẫn đến du nhập những ngành nghề và kỹ thuật mới như kỹ thuật làm gạch, ngói, xây dựng kiến trúc. Chúng ta đã thấy ở Di tích Cố đô Hoa Lư và các di tích mộ gạch mới được khai quật ở hai huyện Nho Quan, Gia Viễn các loại gạch, ngói từ thời Hán đến Đại La. Gạch Hán có màu nâu đỏ, độ nung cao, xương thô lẫn nhiều cát, một cạnh dài in nổi hoa văn hình ô trám lồng, ô trám đơn, hoa văn hình tròn đồng tâm, văn kỷ hà, hoa văn hình trâm... Gạch thời Đường màu xám nhiều viên có in chữ Giang Tây Quân tạo nên thương hiệu gạch của đạo quân Giang Tây được biết rộng rãi khắp miền Bắc Việt Nam thời Đại La. Những viên ngói in dấu vải cỡ lớn với kỹ thuật uốn cắt tinh xảo cũng đã được du nhập. Dạng hình kỹ thuật đắp nền để ở nhà đất đã phát hiện trong các hố khai quật ở Cố đô Hoa Lư năm 2021 có niên đại Bắc thuộc cũng là một dạng hình cư trú mới đối với cư dân Lạc Việt vốn quen với loại hình cư trú nhà sàn ở những vùng đồng bằng ngập nước và lầy thụt như khu vực Cố đô Hoa Lư.

Con người với những kỹ thuật mới du nhập kéo theo việc du nhập những yếu tố văn hóa mới như chữ viết, các hệ tư tưởng mới như Nho giáo, Đạo giáo... cũng theo đó tràn vào, có lẽ ngoài cả những dự liệu của chính quyền phong kiến phương Bắc vốn luôn kiên định với chính sách ngu dân đối với những dân tộc phi Hoa Hạ.

Chính những yếu tố mới kết hợp với những yếu tố bản địa đã hình thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mới, để trên nền tảng đó, ở thế kỷ X lịch sử, Hoa Lư đã đảm nhận vai trò là Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước đầu tiên khai mở nền độc lập, tự chủ sau hơn ngàn năm bị ngoại bang đô hộ.

3. Ninh Bình giai đoạn Nhà nước Đại Cồ Việt

- Lịch sử Ninh Bình ở thế kỷ X ghi nhận sự tiếp nối không đứt đoạn của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Như ở trên đã ghi nhận, vùng đất Ninh Bình là nơi lưu dấu của người Việt cổ từ hàng vạn năm trước. Nơi đây đã chứng kiến những con người từ thời đại đồ đá cư trú ở các hang động vùng núi đá vôi thuộc các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn tiến ra chinh phục vùng đồng bằng trù phú từ chân núi đến ven biển, hình thành nên một nền văn hóa tộc người, kết hợp với những yếu tố văn hóa ngoại nhập trong hơn ngàn năm Bắc thuộc, với tinh thần hòa nhập nhưng không hòa tan, đến thế kỷ X tạo nên một nền văn hóa riêng đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS.TS. Tống Trung Tín đã nhận xét sự phát triển của văn hóa Việt Nam thế kỷ X không phải do ngẫu nhiên mà là kết quả của sự vận động tự thân lâu dài và mạnh mẽ. Kết quả đó bắt nguồn từ truyền thống văn hóa có từ lâu trước đó và thể hiện rõ nét qua những dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến đầu Công nguyên. Khoảng 1 - 2 thế kỷ trước, sau Công nguyên, trước áp lực của văn hóa Hán, văn hóa Đông Sơn dần dần bị lấn át, tuy nhiên truyền thống Đông Sơn vẫn len lỏi, tồn tại trong các làng xóm Việt, vẫn đan xen tồn tại cùng văn hóa Hán như mộ thuyền, truyền thống gốm thô, hoa văn Đông Sơn trên các vật dụng... Truyền thống đó tồn tại lâu dài như biểu hiện sức sống của văn hóa Việt Nam, để rồi đến thế kỷ X có dịp bùng lên và phát triển: những nồi gốm thời Đinh - Lê có hình dáng gần gũi với nồi gốm Đông Sơn; vò sành Hoa Lư được trang trí nhiều kiểu văn sóng nước phong phú tựa như sự hồi sinh của loại hoa văn này từ thời văn hóa Phùng Nguyên - Đông Sơn, loại hoa văn này vốn rất phổ biến và lưu truyền lâu dài trong trang trí gốm của người Việt cổ và phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ X cho dù kiểu dáng, chất liệu, độ nung và kiểu hoa văn cũng có sự biến đổi ít nhiều. Mộ số hình tượng khác cũng thể hiện khá rõ truyền thống Việt như những trang trí đường tròn đồng tâm trên đài sen đất nung có mặt hình tròn gợi nhớ đến cách trang trí trên mặt trống đồng Đông Sơn... Tóm lại, văn hóa Việt Nam thế kỷ X rõ ràng đã phát triển với sự trở lại mạnh mẽ của truyền thống[7].

- Hoa Lư - Ninh Bình là căn cứ địa, là nơi "khởi nghiệp" của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh và là bước khởi đầu của triều đại Nhà Đinh - Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Bước sang thế kỷ X lịch sử, Ninh Bình từ vị thế là vùng đất căn cứ của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành biểu tượng thống nhất của một quốc gia dân tộc, là thủ đô của Nhà nước Đại Cồ Việt non trẻ vừa thoát khỏi ách đô hộ hơn ngàn năm Bắc thuộc. Để có được những chuyển biến lịch sử ở thế kỷ X, thế kỷ của sự phục hưng dân tộc, không thể không nhắc đến vai trò của vùng đất quanh ngã ba sông Bôi.

Vùng đất quanh ngã ba sông Bôi thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh và nhiều anh hùng dân tộc thời Đinh - Tiền Lê. Tục ngữ Ninh Bình có câu "Đại Hữu sinh vương/ Điềm Dương sinh thánh" với ngụ ý làng Đại Hữu là nơi sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng và làng Điềm Dương/Giang là nơi sinh ra thánh Nguyễn Minh Không. Các nhà nghiên cứu Sử học và Ninh Bình học căn cứ vào sự tích/huyền tích dân gian và hệ thống thờ tự còn lưu lại ở các địa phương đã ghi nhận rằng làng Đại Hữu nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh; Động Hoa Lư là nơi chăn trâu, tập trận khi bé và là căn cứ địa của Đinh Bộ Lĩnh thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn; các địa danh Đàm Xá và Long Viên liên quan đến quê mẹ và nơi đản sinh Đinh Bộ Lĩnh, ngày nay thuộc xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn và xã Gia Thủy, huyện Nho Quan. Nhìn ở không gian cảnh quan môi trường chung nhất, có thể thấy rằng các địa điểm nay thuộc các xã Gia Phương, Gia Tiến, Gia Hưng (Gia Viễn) và Gia Thủy (Nho Quan) đều là những vùng đất cao nằm dọc theo sông Bôi và đều thuộc cảnh quan thung lũng do con sông Bôi và các chi lưu của nó tạo nên.

Từ hệ thống di tích, những truyền thuyết/ sự tích còn lưu giữ và sưu tầm được đến nay, bước đầu có thể khẳng định vùng thung lũng Nho Quan, Gia Viễn hiện nay cùng với con sông Bôi vừa có tác dụng bồi tụ hình thành vùng đất, vừa đảm nhiệm chức năng là con đường giao thông huyết mạch của khu vực; đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với lịch sử vùng đất ở thế kỷ X. Đây là quê hương của vua Đinh Bộ Lĩnh và cũng là căn cứ địa đầu tiên - là chỗ dựa, là bàn đạp để vua Đinh thực hiện và hoàn thành công việc thống nhất đất nước, khai sinh ra nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Vùng đất quanh ngã ba sông Bôi còn là nơi sản sinh và tri ân những anh hùng dân tộc thời Đinh như Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú... thể hiện của hệ thống di tích đền miếu thờ tự, cùng với đó là những truyền thuyết/sự tích/truyện kể dân gian, những địa danh cổ đến nay còn lưu giữ được cũng gắn liền với các danh nhân và sự kiện liên quan đến giai đoạn lịch sử thế kỷ X.

Sự lưu giữ này mặc dù là tự phát trong tâm thức của cộng đồng cư dân địa phương nhưng nó cũng thể hiện sự tri ân của các lớp con cháu hôm nay với Nhà Đinh và các anh hùng dân tộc ở thế kỷ X. Đây cũng là một cách thiết thục thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lưu giữ truyền thống lịch sử hào hùng và niềm tự hào dân tộc.

- Với vị trí địa quân sự, địa chính trị quan trọng ở thế kỷ X, Ninh Bình là nơi hình thành nên kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt với một vai trò lịch sử không thể thay thế. Nói cách khác, ở thế kỷ X lịch sử Ninh Bình đã tạo dấu mốc quan trọng khơi mạch nguồn dẫn lịch sử Việt Nam hình thành văn minh Đại Việt - Việt Nam hôm nay.

Năm 968, sau khi “dẹp loạn 12 sứ quân”, “Vua (Đinh Bộ lĩnh) lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây dựng cung điện, đặt triều nghi” [8]. Những dòng ghi chép trên cùng với những biến động về địa danh hành chính qua các thời kỳ lịch sử đã khiến nhiều nhà nghiên cứu hiểu về địa danh Hoa Lư theo nhiều cách khác nhau: (1) là một động/vùng đất nhỏ hiện thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn; hay (2) là một vùng đất rộng lớn bao trùm các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư[9]. Dù hiểu theo cách nào thì khu vực này vẫn thuộc lưu vực ngã ba sông Bôi và là không gian hoạt động, là căn cứ địa của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh. Chúng tôi cũng ghi nhận rằng quanh vùng Cố đô Hoa Lư trước thế kỷ X đã có sẵn những công trình kiến trúc có chức năng là trị sở của một châu quận có quy mô bề thế. Do đó, trong quá trình hoạt động của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, không thể không tính đến tác dụng và sức ảnh hưởng của vùng đất mà sau này được chọn là Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt. Những tư liệu mới được cập nhật qua nghiên cứu khảo cổ học ở khu vực này trong những năm gần đây góp phần tiến tới sự khẳng định rằng Kinh đô Hoa Lư được lựa chọn là kết quả của những suy tính và lựa chọn sau khi đã xem xét kỹ lưỡng về vai trò lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nó chứ không phải là được lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

Tóm lại, với vị thế là vùng đất có vị trí địa quân sự quan trọng giữa Giao Chỉ và Cửu Chân trong lịch sử, vùng đất ngã ba sông Bôi không chỉ là nơi các chính quyền phong kiến phương Bắc muốn khống chế mà đến  thế kỷ X, nó chính là “bàn đạp” giúp sứ quân Đinh Bộ Lĩnh vươn lên thống nhất đất nước và đảm nhận vai trò là Kinh đô của nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

- Ninh Bình với Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X, là nơi phản ánh sự giao lưu cởi mở và tiếp thu sáng tạo tinh hoa văn hóa của Việt Nam với các nước khác trong khu vực.

Người Việt đứng trước sức ép bị đồng hóa một cách rõ rệt từ chính quyền phong kiến phương Bắc trong giai đoạn “đêm trường Bắc thuộc” đã không những không bị đồng hóa mà còn tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa ngoại lai để từ đó góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc.

Trong lĩnh vực văn hóa, Phật giáo Đinh - Lê chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc thể hiện qua sự trao đổi kinh kệ, sư tăng được ghi trong chính sử. Các bài kinh khắc trên các cột kinh Phật bằng đá ở Hoa Lư thời Đinh được truyền từ Trung quốc đến. Nho giáo và chữ Nho cũng từng bước được tiếp nhận. Đến thế kỷ X, nhiều tri thức người Việt đã sử dụng thành thạo chữ Nho làm công cụ giao tiếp, tiêu biểu như các nhà sư Khuông Việt, Đa Bảo, Pháp Thuận... sử dụng trong việc đối đáp với sứ thần Trung quốc.

Về kỹ thuật sản xuất, người Việt đã tiếp thu kỹ thuật làm gạch ngói từ Trung Quốc, Chămpa và cải biến đi để từ đó tạo ra những loại vật liệu gạch ngói mang đặc trưng của người Việt ở thế kỷ X, thể hiện qua những viên gạch chữ nhật in chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, gạch lát nền trang trí hoa sen, chim phượng... những đầu ngói trang trí hoa sen... Đã phát hiện một số đồ gốm men có nguồn gốc bản địa sản xuất theo kỹ thuật của đồ gốm sứ Tống. Bên cạnh đó, ở Hoa Lư cũng phát hiện được một số viên ngói mũi lá tương tự những viên ngói cùng loại có nguồn gốc từ các di tích kiến trúc Chămpa[10].

Có thể nói, thông qua những hoạt động như vậy, các yếu tố văn hóa Trung quốc, Chămpa đã được tiếp thu, biến đổi và hòa nhập với văn hóa Việt Nam tạo nên bản sắc văn hóa Đại Việt ở thế kỷ X.

- Thế kỷ X ở Hoa Lư đã hình thành nghệ thuật Đinh - Tiền Lê, tạo tiền đề, là cơ sở cho sự phát triển toàn diện và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật Đại Việt thời Lý - Trần.

Với sự kiện Đinh Tiên Hoàng định đô ở Hoa Lư, đã xác lập nên nền nghệ thuật Đinh - Tiền Lê, một giai đoạn nghệ thuật quan trọng mở đầu cho sự hình thành và phát triển của nghệ thuật phong kiến Việt Nam mà đỉnh cao là nghệ thuật Lý - Trần. Những dấu ấn thời Đinh - Lê hiện diện rất nhiều ở những giai đoạn sau đó, đặc biệt là ở thời Lý đã tiếp thu toàn diện kỹ thuật xây dựng các vòng thành, kỹ thuật xử lý nền móng các công trình kiến trúc, cũng như phong cách trang trí mỹ thuật trên vật liệu xây dựng và đồ gia dụng ... của thời kỳ trước đó[11].

Truyền thống sản xuất vật liệu từ thời Đinh - Tiền Lê được thời Lý tiếp thu thể hiện qua những mẫu gạch xây hình chữ nhật, gạch lát nền hình vuông, ngói âm dương trang trí hoa sen... có hình dáng, kích thước, màu sắc và hoa văn trang trí tương tự. Loại ngói mũi sen mang đặc trưng thời Lý đã được phát hiện kiểu dáng tiền thân ở Hoa Lư trong đợt khai quật năm 1998 với dạng kích thước nhỏ, chất liệu màu đỏ phớt xám có đầu mũi hớt cong gần giống với ngói mũi sen. Sang thời Lý, kiểu ngói này hoàn chỉnh và phát triển với kích thước lớn, dáng cánh hoa sen trau chuốt, đến thời Trần loại ngói này trở thành chủ đạo trong việc lợp các loại kiên trúc và phát triển cho tới tận ngày nay.

Hoa văn trang trí thời Đinh - Lê cũng mở đầu cho sự phát triển hoa văn trang trí thời Lý. Trên vật liệu xây dựng thời Đinh - Lê thường thấy có hoa sen, chim phượng, uyên ương, hoa cúc dây, đầu linh thú... Hầu hết các loại đề tài này sang thời Lý trở thành phổ biến với kiểu dáng phong phú, bố cục hoàn hảo, cấu trúc cầu kỳ. Có thể nhận thấy uyên ương thời Đinh - Lê có kích thước lớn, trang trí đơn giản, ngược lại uyên ương thời Lý có nhiều loại, đường nét trang trí cực kỳ phong phú và phức tạp. Hình tương chim phượng thời Đinh - Lê được thời Lý tạo hình và cấu trúc đẹp nhất trong các loại hình phượng Việt Nam... Tuy nhiên cũng có những loại hoa văn thời Đinh - Lê được thời Lý mô phỏng như dạng trang trí hoa sen trên gạch lát nền, nếu có khác chỉ là hoa sen thời Lý được tạo trau chuốt và thon thả hơn.

Tóm lại, có thể nói thời Đinh - Lê trong lịch sử Việt Nam là một dấu mốc cực kỳ quan trọng. Đó là bước ngoặt bản lề đánh dấu sự kết thúc vĩnh viễn thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập tự chủ, tạo những tiền đề vững chắc, cơ bản cho sự phát triển của các thời kỳ lịch sử tiếp theo.

4. Ninh Bình - những giá trị đặc trưng

Qua những tư liệu nghiên cứu đã thu thập, có thể ghi nhận quá trình hình thành và phát triển trên đất Ninh Bình đã hun đúc nên cho vùng đất này giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu:

- Ninh Bình là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp nối những mạch nguồn, hấp thu những tinh hoa văn hóa khu vực, tích lũy nội lực để vươn lên trở thành thủ đô đầu tiên của nhà nước Đại (Cồ) Việt độc lập, tự chủ và thống nhất sau hơn ngàn năm Bắc thuộc.

Trải qua hơn nghìn năm bị đô hộ bởi chính quyền phương Bắc nhưng những tộc dân Việt cổ vẫn kiên trì gìn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc đã hình thành từ văn hóa Đông Sơn và những nền văn hóa bản địa trước đó. Sức sống Đông Sơn, sức sống của nền văn minh Sông Hồng vẫn tồn tại ở nhiều dạng hình trong các làng xóm Việt cổ trong "đêm trường Bắc thuộc" và bùng lên rực rỡ ở thế kỷ X lịch sử.

Như GS. Trần Quốc Vượng đã nhận xét: Thế kỷ X ở Việt Nam được mở ra với ba cha con họ Khúc, được định hình chắc chắn với Ngô Quyền và được khép lại với Lê Hoàn. Thế kỷ của nhiều nhân cách lớn Việt Nam. Đó là sự kết thúc của một thời cũ (thời Bắc thuộc) và sự mở đầu của một thời đại mới: Thời đại độc lập dân tộc, phục hưng dân tộc, phục hưng văn hóa Việt[12].

Người Việt với truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước, đã hình thành nên một nền văn minh nông nghiệp với cấu trúc: nông dân - nông nghiệp - xóm làng, từ làng đến liên làng, siêu làng và từ đó hình thành nhà nước. Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc sơ khai vừa hình thành cũng là lúc người Việt phải chịu những sức ép liên tục từ phương Bắc và sau đó là hơn 10 thế kỷ bị trị, bị đồng hóa và chống đồng hóa. Những giá trị văn hóa truyền thống bị đánh phá, bị hủy hoại đã được bảo lưu, bảo tồn bằng cách lẩn khuất sau những xóm làng với tâm tưởng:

"Thù này ắt hẳn còn lâu;

Trồng tre lên gậy gặp đâu đánh què".

Những giá trị văn hóa bị chèn ép, lẩn khuất đó đã góp phần hun đúc, nuôi dạy nên những anh hùng, những danh nhân đất Việt để sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh đã giành lại được nền độc lập, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.

- Hoa Lư - Ninh Bình trên tảng nền văn hóa truyền thống và sự kiên cường đấu tranh giữ vững nền độc lập, tự chủ trong những năm đầu nối lại quốc thống đã định hình tính cách dân tộc và là dấu mốc khai mở nền văn minh Đại Việt.

  Nói cách khác, thế kỷ X làm nhiệm vụ lịch sử kết thúc chặng đường dài gian khổ ngàn năm chống Bắc thuộc về chính trị - quân sự và tái cấu trúc hóa nền văn minh Việt Nam với những "mảnh vụn” của nền văn minh Việt cổ và những nhân tố ngoại sinh, ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ...[13].

Có thể thấy rằng bên cạnh việc tiến hành chính sách "ngu dân" xuyên suốt những thế kỷ chính quyền phương Bắc cai trị đất nước ta, thì vô tình những tư tưởng của Nho - Phật - Đạo giáo cũng được truyền bá vào Việt Nam, bên cạnh đó hà hệ thống chữ viết mà ngày nay chúng ta gọi là chữ Nho cũng được truyền bá nhằm đào tạo những thư lại, những tay sai cho chính quyền cai trị. Bên cạnh luồng tư tưởng bị áp đặt từ phương Bắc, ở Việt Nam lúc đó còn một luồng tư tưởng Phật giáo từ phía nam truyền đến có tư tưởng bình dân và dung hòa hơn.

Những luồng tư tưởng và văn hóa mới từ Trung Hoa và Ấn Độ, mặc dù chỉ được truyền bá nhỏ giọt ở một bộ phận nhỏ trong xã hội Việt nhưng cũng tạo nên những giá trị văn hóa, văn minh mới, bổ sung vào vốn văn hóa truyền thống, hình thành nên một tầng lớp tri thức mới mà tiêu biểu là các nhà sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo... giỏi chữ Hán, thông thạo cả Nho - Phật - Đạo vả rất tích cực trong các hoạt động nhập thế. Trong đó, những hoạt động tích cực của Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận, đến thời Đinh - Lê, Đạo Phật đã tìm được chỗ dựa vững chắc trong lòng xã hội và luôn đồng hành cùng dân tộc, vượt qua nhiều thử thách để trường tồn, phát triển.

- Việc định đô ở Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X đã xây dựng, hình thành và xác lập những giá trị văn hóa mới của con người, xã hội và hành vi ứng xử ở một vùng đất kinh kỳ.

"Không thơm cũng thể hoa nhài;

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"

Những câu ca dao trên là lời mô tả về cốt cách, thần thái của con người ở một vùng đất kinh kỳ. Tại Đền thờ vua Đinh còn cheo đôi câu đối: "Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo; Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Đôi câu đối nói nên niềm tự hào dân tộc rằng Hoa Lư là một nơi kinh đô sầm uất không kém gì kinh đô Tràng An.

Trên thực tế, với vai trò là một kinh đô của một đất nước độc lập, tự chủ, dù là triều Đinh lựa chọn nơi hiểm yếu, ở nơi núi cao, sông rộng, dễ thủ, khó công... nhưng với 42 năm là trung tâm đầu não của đất nước, Hoa Lư đã thu hút những tinh anh của đất nước như hoàng gia, quý tộc, tăng lữ và những tầng lớp quan lại, người có địa vị trong xã hội đến cư trú. Từ đó đã hình thành nên các giá trị văn hóa đô thị, phong cách ứng xử của con người đất kinh kỳ, khác hẳn với tâm lý nông dân - nông nghiệp - xóm làng của cư dân vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ vốn lấy nông nghiệp làm gốc của sự phát triển kinh tế. Tại đây, những ứng xử của nhà nước với Phật giáo cũng góp phần xây dựng nên giá trị văn hóa tâm linh mang sắc thái quốc gia, dân tộc với sự phát triển của Phật giáo là Quốc giáo và điều này còn gây nên ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử phát triển dân tộc.

Tóm lại, sự dung hòa các giá trị văn hóa, tôn giáo từ các nền văn minh lớn trên cơ tầng văn hóa bản địa từ đó hình thành nên một đặc trưng văn hóa riêng không thể trộn lẫn mà ở thế kỷ X lịch sử đã lựa chọn Hoa Lư - Ninh Bình làm nơi hình thành và minh định những giá trị văn hóa mới của một đô thị được lựa chọn làm kinh đô của cả nước sau hơn ngàn năm Bắc thuộc./.



[1] Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Thuận Hóa, Huế.20.

[2] Đào Duy Anh (1994), Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Thuận Hóa, Huế.

[3] Lã Đăng Bật 2018, Nhân vật lịch sử Kinh đô Hoa Lư 968 - 1010, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội: 32.

[4] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb KHXH.

[5] “Xóm núi dưới chân mưa, vầng trăng trên ngọn thông xanh,

     Làng chài ở đầu ngọn thuỷ triều, gío lướt bãi răm đỏ”.

[6] Tính chất quan trọng mang tính chiến lược về địa quân sự của vùng đất này một lần nữa đã được chứng minh trong cuộc chiến tranh giữa Nhà Tây Sơn với quân xâm lược Mãn Thanh. Cuối năm 1788, khi 29 vạn quân Thanh kéo sang, quân Tây Sơn đã rút về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn đợi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc phản kích giành lại giang sơn. Dãy Tam Điệp - Biện Sơn là dãy núi đâm ngang ra biển nằm ở phía nam tỉnh Ninh Bình, là ranh giới tự nhiên hiểm yếu ngăn cách giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam.

[7] Tống Trung Tín 2018, Di sản cố đô Hoa Lư - Các giá trị lịch sử và văn hóa qua các phát hiện khảo cổ học, Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb KHXH, Hà Nội: 746-761.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993: 153.

[9] Đặng Công Nga 2018, Động Hoa Lư và Kinh đô Hoa Lư, Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb KHXH, Hà Nội:648-680.

[10] Tống Trung Tín 2018, Di sản cố đô Hoa Lư - Các giá trị lịch sử và văn hóa qua các phát hiện khảo cổ học, Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb KHXH, Hà Nội: 746-761

[11] Tống Trung Tín 2018, ddDi sản cố đô Hoa Lư - Các giá trị lịch sử và văn hóa qua các phát hiện khảo cổ học, Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb KHXH, Hà Nội: 746-761

[12] Trần Quốc Vượng 2000, Một cái nhìn tổng quát về thế kỷ X với văn minh thế giới và Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb VHDT và Tạp chí VHNT, Hà Nội: 148-161.

[13] Trần Quốc Vượng 2000, Một cái nhìn tổng quát về thế kỷ X với văn minh thế giới và Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb VHDT và Tạp chí VHNT, Hà Nội: 53.

  • Từ khóa :
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...