image banner
Kết quả khai quật nghiên cứu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) năm 2021 (Phần 2)
Lượt xem: 284

3. Hệ thống di vật khảo cổ

Đợt khai quật tại Cố đô Hoa Lư đã thu được nhiều hiện vật khảo cổ thuộc hai nhóm: vật liệu kiến trúc (gạch, ngói, gỗ...) và đồ gia dụng (sành, đất nung, gốm sứ...). Trong đó, nhóm vật liệu kiến trúc xuất hiện rất nhiều và phổ biến là gạch, ngói với nhiều niên đại khác nhau từ thời Hán đến thời Lý - Trần, thậm chí cả thời Lê Trung Hưng, nhưng chủ yếu tập trung ở giai đoạn Đại La và Đinh - Tiền Lê.

3.1. Vật liệu kiến trúc

anh tin bai
anh tin bai

3.1.1. Gạch:

Gạch là nhóm di vật xuất hiện phổ biến ở khu vực di tích, hầu hết đều là gạch vỡ thuộc các giai đoạn lịch sử: Bắc thuộc, Đinh - Tiền và muộn hơn.

* Gạch Bắc thuộc:

- Gạch thời Hán (thế kỷ I-III): 6 mảnh vỡ của loại gạch núi bưởi ở hố H1, thuộc loại gạch có màu đỏ, xốp, xương mịn, dễ bị bở bục do ngâm lâu ngày trong đất bùn, mặt gạch mủn bong tróc nên rất khó nhận diện được dấu ấn kỹ thuật. Loại gạch này thường được sử dụng ở các ngôi mộ gạch thế kỷ I-III với chức năng chính là gạch tạo cuốn vòm mộ. Gạch có kích thước 30 x 14 x 3,5 - 4,5cm, trên một cạnh gạch có trang trí hoa văn hình ô trám, hình thoi hoặc tam giác đối đỉnh… Qua nghiên cứu so sánh, ghi nhận những mảnh gạch này có chất liệu, độ dày và cách thức trang trí hoa văn tương tự những viên gạch múi bưởi được sử dụng để xây dựng các mộ gạch thời Đông Hán đã được phát hiện và khai quật ở Gia Thủy năm 2020, Đền Hạ, Đồi Cò và Đồi Chùa.

- Gạch thời Đại La (thế kỷ VII-IX):

+ Gạch hình chữ nhật: có 2 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất: kích cỡ nhỏ, hình dạng và kích cỡ khá thống nhất, là loại gạch có hình khối chữ nhật dẹt. Những viên gạch nguyên đã phát hiện ở di tích từ trước có kích cỡ nằm dao động trong khoảng từ 32-40 x 17-19 x 4,0-5,5cm. Chất liệu gạch khá mịn, chắc, nhưng độ nung không cao nên khi nằm lâu trong lòng đất, gạch thường bị mềm, bở và rất dễ bị mủn nát. Về màu sắc, phần lớn gạch đều có màu màu xám và xám đen, một số viên có màu đỏ xám. Một số viên có in chữ Giang Tây Quân hoặc Giang Tây Chuyên. Nhóm gạch này xuất hiện phổ biến ở Cố đô Hoa Lư và được các nhà nghiên cứu định danh là loại gạch Giang Tây. Trong đợt khai quật này, gạch Giang Tây xuất lộ chủ yếu ở địa điểm cánh đồng phía nam Đền Lê.

Nhóm thứ hai: kích cỡ lớn hơn nhóm thứ nhất, dáng hình khối chữ nhật, đất nung màu đỏ cam loang xám. Gạch có trang trí in văn nổi hình ô trám đơn, ô trám lồng, hình tròn có chấm giữa hoặc hình những đường thẳng bố trí theo những đồ án hình học nhất định như xương cá đối xứng Hoa văn chỉ trang trí ở mặt cạnh (chiều dày) của toàn bộ các viên gạch. Chất liệu đất sét pha lẫn cát thô, có những viên có độ nung rất cao nhưng đa số là các viên gạch có độ nung thấp và bị phong hóa rất mạnh, mủn nát do nằm lâu năm trong tầng đất bùn. Nhóm này xuất hiện chủ yếu quanh khu vực cánh đồng Nội Trong. Bước đầu có thể xác định nó liên quan đến các kiến trúc nhà cửa, cung điện thời Đại La ở khu vực này. Kích thước các viên gạch có sự dao động khá lớn, chiều rộng trong khoảng 17-23cm, dày 6-9cm, chiều dài dao động từ 30-40cm.

+ Gạch hình thang cân: có kích cỡ tương tự nhóm gạch hình chữ nhật thứ hai đã mô tả ở trên. Gạch cũng có hai loại là gạch không có hoa văn và gạch có hoa văn trang trí ở một hoặc hai cạnh dày của viên gạch với các motif hình ô trám đơn, ô trám lồng, xương cá... Chất liệu đất sét pha cát thô, màu đỏ cam loang xám, một số viên có độ nung cao nhưng đa số có độ nung thấp. Tương tự nhóm gạch hình chữ nhật thứ hai, nhóm này chủ yếu phát hiện ở khu vực cánh đồng Nội Trong.

* Gạch thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X): gồm có gạch bìa và gạch lát nền.

- Gạch bìa hình chữ nhật có kích thước dao động trong khoảng 27-32 x 14,5-18,5 x 3,7-4,5cm. Chất liệu đất sét mịn, sau khi nung có màu đỏ tươi, màu đỏ hoặc đỏ vàng, độ mung thấp. Một số viên được in nổi chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch dùng để xây thành của nước Đại Việt) trong khuôn hình chữ nhật. Đây là nhóm hiện vật được phát hiện phổ biến trong các cuộc khai quật ở Hoa Lư từ trước đến nay.

- Gạch lát nền giai đoạn Đinh-Lê có kích cỡ 34 x 34 x 6cm, chất liệu làm gạch là sét thuần có màu đỏ loang vân vàng. Bề mặt gạch được trang trí hoặc để trơn. Ở những viên được trang trí thường có cạnh ngoài trang trí hồi văn, bên trong có hai mô típ trang trí chính là: trang trí hoa sen 16 cánh mãn khai nhìn trực diện, và trang trí đôi phượng vờn nhau. Ở khu vực phía nam Đền Lê đã phát hiện một số mảng nền lát gạch có quy mô lớn còn giữ nguyên tại hiện trường.

3.1.2. Ngói

* Ngói thời Đại La (thế kỷ VII - IX):

Nhóm ngói thời Đại La chủ yếu xuất hiện ở cánh đồng Nội Trong. Ngói cứng chắc, chất liệu đất sét mịn, luyện kỹ, độ nung cao, màu xám xanh/xám ghi hoặc đỏ sẫm. Các viên ngói đều vỡ chỉ có thể đo được độ dày, tuy nhiên thân ngói có độ doãng lớn, ngói dài gần 40cm cho thấy kích cỡ và hình dáng viên ngói khá đồ sộ. Các viên ngói đều có dấu in vải lót khuôn ở mặt trong và vết cắt từ trong ra ngoài để dỡ ngói ra khỏi khuôn. Về loại hình, có thể ghi nhận 2 loại ngói như sau:

- Ngói không có cổ để khớp hai viên ngói, một đầu to, một đầu nhỏ. Kích thước trung bình: dài 34cm, đầu to rộng 26cm, cao 6,5cm, đầu nhỏ rộng 20cm, cao 5,5cm. Kỹ thuật lợp loại ngói này là kỹ thuật úp chồng lên nhau, với đầu to của viên sau đặt chồng lên một phần đầu nhỏ của viên trước.

- Ngói có cổ, thân ngói cong doãng đều, đuôi ngói được tạo hơi thắt lại kiểu gần giống cổ chai để tạo khớp nối với viên ngói lợp sau. Kích thước: ngói dài 36cm, rộng thân 33cm, ngói cao 4cm, xương dày 1,5cm, cổ ngói dài 3cm.

Ở Cánh đồng Nội Trong cũng phát lộ một số mảnh đầu ngói ống, với hai dạng thức trang trí đều xuất hiện trên ngói màu xám xanh:

Dạng thứ nhất trang trí hình bông hoa hướng dương hoặc mặt trời, với đài hoa hình tròn trang trí 7 nhũ đinh ở giữa, vành ngoài trang trí vòng tròn với 9 cạnh (tam giác) tỏa ra các phía, ngoài cùng là một đường tròn đắp nổi bao ngoài cũng có những gai nhỏ vươn ra nhưng không rõ như những cách sao bên trong.

Dạng thứ hai trang trí hình bông hoa phù dung nhìn trực diện, trong cùng là đài hoa hình tròn trang trí 7 nhũ đinh đắp nổi, cánh hoa được bao bên ngoài bằng một đường tròn nổi.

* Ngói thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X):

Ngói giai đoạn Đinh - Tiền Lê được phát hiện chủ yếu ở Cánh đồng phía nam Đền Lê. Về chất liệu, chúng được chế tạo từ đất sét mịn, màu sắc chủ yếu là màu đỏ hoặc đỏ pha vàng. Về loại hình và kỹ thuật chế tạo chúng có sự gần gũi với nhóm ngói thời Đại La đã được trình bày ở trên.

3.1.3. Trang trí

Ở địa điểm Cánh đồng phía nam Đền Lê đã phát hiện 2 mảnh bệ sen đều chỉ còn lại mảnh vỡ góc ¼. Hiện vật tương tự tiêu bản phát hiện năm 1998. Bệ sen dày khoảng 13cm, độ nung thấp và xung quanh bị bám nhiều rỉ sắt màu nâu đỏ. Mặt đài sen trang trí hoa văn, vòng ngoài cùng là các đường tròn kép đồng tâm, khoảng cách giữa các đường tròn kép lại điểm thêm một đường tròn đơn nhỏ; vòng thứ hai là dạng hoa cúc ‘tay mướp’ cách điệu; vòng thứ ba trang trí hoa sen với các cánh sen thon dài; trong cùng là gương sen được trang trí bằng những trấm tròn nhỏ. Về chức năng sử dụng, qua nghiên cứu so sánh, khả năng đây là những đài thờ dùng trong những nghi lễ Phật giáo.

3.1.4. Đồ gỗ

Đồ gỗ phát hiện trong đợt khai quật gồm các loại:

Cọc gỗ thời Đại La: có hai loại cọc được phân biệt theo đường kính thân là nhóm có đường kính trung bình 30cm và nhóm có đường kính từ 10-20cm. Các cọc đều có cách thức tạo tác như nhau là từ thân cây gỗ thẳng được đẽo nhọn ở một đầu để cắm xuống lớp đáy bùn sinh thổ tạo gia cố chân cọc cho kiến trúc, đầu còn lại do bị mục nên không quan sát được kỹ thuật tạo tác. Loại cọc gỗ này xuất hiện trong các cụm cọc thuộc kiến trúc ở Cánh đồng Nội Trong.

Nêm gỗ thời Đại La là những đoạn gỗ có một đầu được đẽo nhọn, đầu còn lại chặt bằng. Loại này có nhiều kích cỡ khác nhau với đường kính dao động từ 10cm đến 20cm và chiều dài từng nêm cũng có sự thay đổi theo đường kính, những chiếc dài nhất có chiều dài khoảng trên 100cm và những chiếc ngắn nhất từ khoảng 30cm. Tác dụng của những nêm gỗ này để đóng ken vào những cụm cọc gỗ tạo sự kết nối vững chắc.

Cây gỗ thời Đinh - Tiền Lê là những cây gỗ các loại được đóng gia cố trong các nền kiến trúc thời Đinh ở Cánh đồng phía nam Đền Lê. Đa số là các cây gỗ tự nhiên vẫn còn cả lớp vỏ nhưng cũng thấy xuất hiện nhiều thanh gỗ còn lưu dấu những vết đục đẽo cho biết có đã từng là cấu kiện kiến trúc bị bỏ đi.

3.2. Đồ gia dụng 

 Đồ gia dụng gồm 3 nhóm chất liệu: sành, đất nung và gốm sứ. Tổng số hiện vật phát hiện 495 mảnh, trong đó: 259 mảnh vỡ ở hố H1 thu được trong địa tầng di tích; 220 mảnh thu được ở hố H2 và H3 là những mảnh vỡ nhỏ nằm lẫn lộn trong lớp đất đắp san nền của thế kỷ X; 16 mảnh ở hố H5 là những hiện vật thu lượm trên bề mặt hố khai quật. Tuyệt đại đa số là những hiện vật có niên đại thế kỷ X, một vài mảnh gốm sứ có niên đại thời Lý - Trần.

anh tin bai

3.2.1. Đồ sành: 726 mảnh, trong đó tuyệt đại đa số là mảnh của các loại lon, vò và ít mảnh nồi thời Đinh - Tiền Lê. Đồ sành thời Lý-Trần, xác định được 4 mảnh miệng đồ sành thời Lý và 1 mảnh lon sành thời Trần. Đặc biệt, đợt công tác này phát hiện một mảnh thuyền tán thuốc thế kỷ X có trang trí mô típ Cá hóa rồng với điểm nhấn là phần miệng được tả chân thực với hai hàm răng sắc nhọn và chiếc mũi vươn thành vòi và sẽ trở thành một đặc trưng rõ nét của con rồng thời Lý - Trần ở các thế kỷ sau.

3.2.2. Đồ đất nung: 10 mảnh ở vị trí khai quật Cánh đồng phía nam Đền Lê, đều là mảnh nồi miệng loe, đường kính miệng 22cm, mép miệng vuốt nhọn, thành miệng ngoài được vuốt cong, thắt ở cổ và thân phình, thân ngoài có đập văn thừng và còn dấu muội than bám chắc do đã qua đun nấu. Chất liệu đất nung màu đỏ, kỹ thuật nặn tay.

3.2.3. Đồ gốm men: 78 mảnh.

Gốm sứ Trung Quốc: 74 mảnh, chủ yếu phát hiện ở vị trí Cánh đồng phía nam Đền Lê, đã số là gốm sứ thời Tống, với một số loại hình bát và đĩa phủ men xanh ngọc, men ngọc hoặc men trắng xanh.

Gốm men thời Lý: 4 mảnh bát sâu lòng có tráng men, bên trong còn lại dấu các vết con kê rất rõ, mặt ngoài chân đế thường để mộc và lưu lại các dấu vết kỹ thuật cạo men và dấu vết bàn xoay rõ ràng.

 4. Kết quả nghiên cứu cổ môi trường và niên đại di tích

4.1. Kết quả nghiên cứu môi trường cổ

Nghiên cứu về môi trường cổ khu vực Hoa Lư khoảng trước và sau thế kỉ X, kết quả phân tích các mẫu bào tử phấn hoa tại Phòng nghiên cứu Con người và Môi trường cổ, Viện Khảo cổ học ghi nhận các mẫu đều bảo lưu khá đa dạng các nhóm loài thực vật: cây thân gỗ, cây thân thảo, và dương xỉ. Nhóm cây thân thảo là đa dạng nhất về thành phần loài, trong đó chiếm ưu thế là phấn hoa của họ hòa thảo (Poaceae) như cói/lác (Cyperaceae/Cyperus sp.), cỏ nến (Typha sp.), Ô rô (Acanthaceae/Acanthus sp.), bào tử dương xỉ như Acrostichum spp., Stenochlaena spp… Nhóm cây thân gỗ chủ yếu là phấn hoa của họ sồi/dẻ (Fagaceae), mộc lan (Magnoliaceae), phấn hoa của cây thân gỗ ưa khí hậu mát, núi cao có thông (Pinus sp.), cáng lò (Betulaceae). Sự hiện diện của các nhóm loài thực vật trên ghi nhận khu vực này là vị trí có nền đất yếu, đất mới được bồi tụ nên vẫn còn ở dạng đầm lầy, trũng, đất bùn đen ngậm nước, có lẽ vẫn còn chịu ảnh hưởng của các đợt thủy triều trong môi trường khí hậu nhiệt đới (Nguyễn Thị Mai Hương và nnk 2021).

Kết quả giám định 5 mẫu cọc gỗ ở khu vực cánh đồng phía nam Đền Lê tại Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng theo tiêu chuẩn TCCS 03: 2021 của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đã cho biết ở đây có ít nhất 4 chủng loại gỗ được sử dụng: (1) Chc khế (Dysoxylum sp.) hay còn gọi là Huỳnh đường là loài cây gỗ lớn, cao 20-40m, đường kính 50-100cm, mọc rải rác trong rừng thường xanh, gỗ tốt, ít bị mối mọt. (2) Cồng (Calophylum sp.) là cây gỗ trung bình, cao 20-25m, đường kính 30-50cm, thường mọc rải rác trong rừng, gỗ tốt. (3) Trường (Pometia sp.) là cây gỗ lớn, thường xanh, cao 20-25m, đường kính 40-60cm, mọc trong rừng nửa rng lá, nơi ẩm và thoát nước như chân núi đá vôi hoặc vùng đất gần sông, suối. (4) Táu (Vatica tonkinensis) là cây gỗ lớn, cao 20-30m, đường kính 40-70cm, mọc rải rác trong rừng từ miền Bắc đến Nam Trung Bộ, gỗ tốt, bền.

4.2. Kết quả phân tích niên đại C14

Đợt công tác đã thu thập 7 mẫu gỗ và thực vật hóa than gửi phân tích niên đại C14 ở Phòng Thí nghiệm Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học.

- Tại cánh đồng phía nam Đền Lê phân tích 6 mẫu cho kết quả:

Mẫu thứ nhất và thứ hai lấy ở dưới lớp nền sân thời Đinh giai đoạn sớm, cao độ lần lượt là -2cm và -17cm, kết quả mẫu lần lượt là 1.940 ± 95 và 2.060 ± 95 yr.BP.

Các mẫu thứ ba, thứ tư và thứ năm là các mẫu gỗ lấy trong lớp kiến trúc thời Đinh ở cả hai giai đoạn, kết quả mẫu lần lượt là 890 ± 90; 1070 ± 85 và 1.140 ± 90 yr.BP.

Mẫu thứ sáu lấy ở bè gỗ thuộc lớp kiến trúc thời Tiền Lê cho kết quả 1.120 ± 95 yr.BP.

- Mẫu thu tại vị trí khai quật ở cánh đồng Nội Trong cho kết quả 1.040 ± 90 yr.BP.

Kết quả phân tích niên đại ghi nhận ở Cố đô Hoa Lư có hai giai đoạn với khoảng cách về niên đại khá xa. Giai đoạn thứ nhất nằm bên dưới lớp nền sân thời Đinh, có niên đại khoảng đầu Công nguyên; và Giai đoạn sau nằm ở khoảng thế kỷ IX - X. Chúng tôi cũng không loại trừ trường hợp các di tồn vật chất của thời kỳ đầu Công nguyên bị chôn xuống dưới nền kiến trúc của giai đoạn sau này.

(Còn nữa)

  • Từ khóa :
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...