image banner
Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Hoa Lư trong giai đoạn hiện nay
Lượt xem: 2090
Lễ hội Hoa Lư được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Đây là lễ hội truyền thống của cư dân xã Trường Yên và nhân dân trong vùng được tổ chức hàng năm để tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh – người đã có công xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt, mở đầu thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của người Việt Nam.

Lễ hội Hoa Lư (trước đây có tên gọi là Lễ hội Trường Yên, Lễ hội Cờ lau hay Lễ hội Cố đô Hoa Lư) có từ thời Lý, xưa được các triều đại phong kiến tổ chức trang trọng. Trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, lễ hội được tổ chức theo nghi thức Nhà nước (Quốc lễ). Trong lịch sử lễ hội, có những giai đoạn lễ hội Hoa Lư bị gián đoạn, không được tổ chức do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng từ năm 1983 đến nay, lễ hội Hoa Lư được tái tổ chức, bảo lưu được những yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc và đang hướng tới nâng cấp thành Quốc lễ.

   Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày, từ ngày 8 đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, song cũng có năm tổ chức 4 ngày từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tại đền thờ và khuôn viên đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

   Cũng như hầu hết các lễ hội truyền thống của Việt Nam, lễ hội Hoa Lư bao gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ thường diễn ra theo tuần tự như sau: lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ dâng hương, lễ tiến phẩm, lễ rước lửa, lễ rước kiệu, tế cửu khúc, tế nam quan, tế nữ quan, lễ cầu siêu – lễ hội hoa đăng và lễ tạ. Phần hội gồm các hoạt động văn hoá như: lễ khai mạc hội, màn trình diễn trống hội Hoa Lư, màn diễn “Lễ đăng quang Hoàng đế”, cờ lau tập trận, kéo chữ Thái Bình…; các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ; các hoạt động thể dục thể thao và các hoạt động văn hoá thể thao dân tộc khác.

 

Lễ rước nước trong Lễ hội Hoa Lư

   Lễ hội Hoa Lư có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay. Thông qua lễ hội khẳng định tầm vóc của kinh đô Hoa Lư xưa, đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng dân tộc. Từ những giá trị to lớn của lễ hội mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Hoa Lư là một việc làm hết sức cần thiết hiện nay và mai sau.

   Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội Hoa Lư trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ và du lịch.

   Trước hết, công tác bảo tồn lễ hội Hoa Lư đã được các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển theo hướng văn hóa, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc. Với mục tiêu chung là gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, tạo nguồn lực để phát triển du lịch địa phương, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Hoa Lư; đồng thời phê duyệt Kịch bản lễ hội Hoa Lư, thực hiện thí điểm một số nội dung lễ hội. Bên cạnh đó vào thời điểm diễn ra lễ hội, nhiều cuộc hội thảo khoa học liên quan đến di tích, lễ hội Hoa Lư đã được tổ chức. Đây chính là những hoạt động quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội Hoa Lư, đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng Đề án trình Chính phủ nâng tầm lễ hội Hoa Lư từ di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thành Lễ hội theo nghi thức cấp Nhà nước.

   Lễ hội Hoa Lư ngày nay được tổ chức, duy trì thường niên và lưu giữ được các nghi lễ thể hiện nét đặc trưng văn hóa của vùng đất Cố đô xưa. Một số nghi lễ từng bị thất truyền đã được phục dựng lại. Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, phục dựng lại nghi thức tế Cửu khúc – 9 bài ca nghi lễ nhằm ca ngợi công đức của vua Đinh, nghi thức bị thất truyền từ lâu.

 

Tế cửu khúc trong Lễ hội Hoa Lư

   Bên cạnh việc khôi phục lại một số nội dung của lễ hội thì không gian tổ chức lễ hội Hoa Lư cũng được Nhà nước quan tâm, thường xuyên có các dự án bảo tồn, trùng tu. Việc phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với lễ hội Hoa Lư cũng đạt được kết quả…. Hiện nay, lễ hội Hoa Lư đã trở thành điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa – thiên nhiên của nhân loại. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - văn hóa cho địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung.

   Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Hoa Lư vẫn còn tồn tạo nhiều hạn chế và bất cập

   Thứ nhất, về nghi lễ: Lễ hội Hoa Lư có từ thời Lý, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, lễ hội đã có biến đổi, một số nghi thức trong lễ hội đã bị mai một như: tục rước tượng Thái hậu Dương Vân Nga, tục đánh tượng Đỗ Thích. Công tác chuẩn bị lễ tế cũng “không còn cầu kỳ như trước”.

   Thứ hai, về công tác quản lý lễ hội: Một số trò chơi dân gian tổ chức chưa hiệu quả, các hoạt động văn hóa, thể thao chưa phong phú, chưa khai thác hết tiềm năng các giá trị văn hóa trong nhân dân.

   Thứ ba, về ý thức duy trì và phát triển lễ hội tại địa phương: Các nghi thức tế lễ hầu hết là do người già trong làng đảm nhiệm. Tầng lớp thanh niên thì hầu như không tham gia vào việc tế lễ, dẫn đến những khó khăn trong việc truyền dạy cũng như lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của địa phương.

   Trên cơ sở phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế; để thực hiện tốt mục tiêu của bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Hoa Lư trong giai đoạn hiện nay chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

   Thứ nhất, bảo tồn nội dung lễ hội Hoa Lư

   Bảo tồn nội dung lễ hội Hoa Lư cần ổn định mô hình lễ hội, lấy cộng đồng cư dân tỉnh Ninh Bình là chủ thể tham gia thực hành các nghi lễ, cộng đồng này phải giữ vai trò chủ đạo tổ chức và trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian vùng đất Cố đô trong lễ hội.

   Nghiên cứu chuyên sâu, phục dựng đúng nghi thức cổ truyền một số nghi lễ, lễ tục như: lễ rước nước, tế cửu khúc, màn diễn cờ lau tập trận, tục chạy kéo chữ “Thái Bình”; đồng thời mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ cách thức tổ chức lễ hội cũng như cách thức tế lễ thực hiện trong lễ hội. Có chính sách cụ thể trong việc phục hồi, tôn tạo, tái tạo lại các tài liệu cổ liên quan đến di tích và lễ hội Hoa Lư. Những tài liệu này rất quý giá trong việc bảo tồn lễ hội. Có chế độ chính sách hỗ trợ cho những người tham gia phục dựng, bảo tồn các nghi thức cổ truyền của lễ hội; hỗ trợ cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lễ hội.

   Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lễ hội

   Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị của lễ hội Hoa Lư thông qua nhiều hình thức: phương tiện truyền thông, sách báo, ấn phẩm, phim ảnh… để quảng bá hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

   Thứ ba, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ lễ hội, bảo tồn không gian tâm linh linh thiêng của lễ hội

   Lễ hội Hoa Lư được thực hiện trong không gian thiêng hai đền thờ vua Đinh và vua Lê, vì vậy để lễ hội đạt hiệu quả cần phải có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư. Đây là khu vực quan trọng lưu giữ di sản văn hóa liên quan đến triều đại Đinh – Tiền Lê, là điều kiện tốt nhất để lễ hội có sức sống lâu bền cùng với thời gian. Trên cơ sở đó, cần phải tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả “Dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo và mở rộng phạm vi một số di tích có liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền triển khai thực hiện các dự án, chương trình nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy hợp lý, có hiệu quả giá trị của khu di tích. Quy hoạch không gian thiêng hành lễ; không gian hội; không gian du lịch sinh thái; xây dựng các khu vui chơi giải trí hợp lý cũng là những biện pháp quan trọng trong công tác bảo tồn di tích và hoạt động lễ hội.   

   Thứ tư, thực hiện gắn kết các hoạt động bảo tồn và phát huy lễ hội Hoa Lư với các hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư

   Hiện nay, xu hướng du lịch sinh thái gắn với du lịch tín ngưỡng tâm linh đang được thịnh hành. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, hoạt động văn hóa lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của du khách và cộng động về việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc. Xuất phát từ những ý nghĩa đó, việc khai thác giá trị của lễ hội Hoa Lư nhằm phát triển kinh tế du lịch cho địa phương là một hướng đi cần phải quan tâm, đầu tư hợp lý để khai thác hiệu quả.

   Thứ năm, xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội

   Xây dựng nếp sống văn hóa lễ hội cần tập trung vào các nội dung: tuyên truyền cho du khách hiểu về các giá trị di sản văn hóa của các danh nhân và di tích, có thái độ trân trọng khi tham quan, hành lễ và tham gia hội; chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế sinh hoạt lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; giáo dục ý thức thực hiện nếp sống văn minh cho các cá nhân, đơn vị tham gia quản lý và sinh hoạt lễ hội; phòng chống các hiện tượng mê tín dị đoan.

   Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổ chức phục vụ lễ hội Hoa Lư

   Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống lớn nhất của tỉnh Ninh Bình, do đó nguồn nhân lực phục vụ lễ hội Hoa Lư cần có kiến thức về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, am hiểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, tâm huyết với nghề. Tập trung đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên; trong đó cần một số người có trình độ ngoại ngữ có thể hướng dẫn du khách nước ngoài tại khu du tích cố đô Hoa Lư.

   Bên cạnh đội ngũ cán bộ quản lý, thuyết minh viên, hướng dẫn viên, Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư cần chú trọng liên kết với các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, các nhà khoa học và cộng đồng để tổ chức lễ hội thành công.

   Tóm lại, lễ hội nói chung, lễ hội Hoa Lư nói riêng là một “bảo tàng sống” để con người tìm về với bản chất và giá trị văn hóa của dân tộc. Đồng hành cùng với chiều dài lịch sử của dân tộc, lễ hội Hoa Lư đã mang trong mình nhiều ý nghĩa văn hóa, có chức năng giáo dục cao. Chính vì thế, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Hoa Lư trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng góp phần  gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.


  • Từ khóa :
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...