image banner
Kết quả khai quật nghiên cứu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) năm 2021 (Phần 1)
Lượt xem: 369

1. Đôi nét về di tích Cố đô Hoa Lư

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư là nơi lưu giữ những vết tích cũ của Kinh đô Hoa Lư của Nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X. Sử cũ ghi “Vua (Đinh Tiên Hoàng) lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi”. Đến thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành “Giáp Thân, năm thứ 5 (984)… dựng nhiều cung điện: làm điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc làm nơi coi chầu; bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên trái là điện Bồng Lai, bên phải là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ; bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc” và “Nhâm Thìn… (992)… Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn” (Đại Việt sử ký toàn thư 1993: 221-222). Trải qua hơn ngàn năm dâu bể, dấu tích thành cũ Hoa Lư dù không còn hiện hữu nhưng các kết quả thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ từ năm 1969 đến nay, đặc biệt kết quả các đợt khai quật trong năm 2021 vừa qua ở Cố đô Hoa Lư đã xác định một kinh thành Hoa Lư có quy mô lớn với nhiều công trình kiến trúc được xây dựng với mật độ dày đặc ở bên trong.

Năm 2021, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện hai đợt khai quật với tổng diện tích 900m2. Đợt khai quật đầu tiến hành vào tháng 3-4/2021 đã mở 5 hố khai quật và 3 hố thăm dò, tổng diện tích 300m2, kết quả đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau ở vị trí phía nam Đền Lê (hố H1); nền kiến trúc ở phía nam Đền Đinh (hố H4); và lớp nền móng kiến trúc thời Đại La ở cánh đồng Nội Trong (hố H5). Sau đó, đợt khai quật vào tháng 9-12/2021 tiếp tục nghiên cứu làm rõ khu vực phân bố kiến trúc ở cánh đồng phía nam Đền Lê với diện tích 600m2, kết quả đã xác định và phân tách ba lớp kiến trúc nền móng cung điện thuộc hai thời kỳ nhà Đinh và Tiền Lê một cách rõ ràng.

2. Các vị trí khai quật khảo cổ: địa tầng và di tích

2.1. Kết quả khai quật tại cánh đồng phía nam Đền Lê

Khu vực khai quật ở cánh đồng phía nam Đền thờ Vua Lê có tọa độ 20°17'08.5"N - 105°54'21.7"E, hướng bắc. Mặt hố nửa phía tây là ruộng lúa, nửa phía đông là sân đấu vật, độ cao dao động từ +133cm đến +179cm so với mực nước biển hiện đại (Mực nước biển hiện đại được sử dụng làm Cos0 cho toàn bộ các di tích xuất lộ). Sát cạnh phía bắc khu vực khai quật là hố khai quật H2 do Viện Khảo cổ học thực hiện năm 1998.

Địa tầng hố khai quật có độ dày trên 200cm, ngay sau khi bóc lớp đất mặt dày khoảng 30cm, trong hố đào đã xuất lộ ba lớp kiến trúc thuộc các giai đoạn lịch sử thời Đại La, thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau.

Lớp kiến trúc sớm nhất gồm 02 nền kiến trúc cung điện, đường đi và sân ngoài, có niên đại thuộc về giai đoạn khởi đầu thời Đinh. Hai nền kiến trúc cung điện có cấu trúc là nền đất đắp cao độ xuất lộ +100cm, bên dưới được lót các lớp lau sậy và đóng một số cọc gỗ nhằm chống lún sụt, cạnh ngoài của các nền điện được gia cố bằng các hàng cọc kè cừ chống sạt lở. Trong phạm vi nền kiến trúc cũng thấy dấu hiệu của hai khu vực gia cố chân cột; Đường đi giữa hai cung điện có cao độ xuất lộ từ +0,64m đến +0,41m, độ rộng lòng đường từ 2,5-3m, Cấu tạo của đường đi là những lớp đầm đá ong non mỏng tạo cho mặt đường cứng chắc. Sân ngoài có cao độ thấp hơn hẳn các nền kiến trúc với cao độ xuất lộ chỉ xấp xỉ mực nước biển cho đến độ cao khoảng +30cm nhưng lại được xử lý rất kỹ và chắc chắn với các lớp đắp bằng đá ong non, mỗi lớp dày trung bình 10cm, từng lớp được đầm rất rắn chắc, lớp đá ong có màu nâu đen do nằm lâu ngày dưới lớp đất bùn nhưng trước kia có thể nó có màu trắng đục ngả vàng hoặc màu vàng đục. Phía dưới nền là một lớp gia cố bằng các loại cành cây, thanh gỗ rải trực tiếp lên lớp đất bùn sinh thổ màu nâu đen, dẻo quánh và mịn. Cũng trong lớp nền sân này còn thấy hai hàng cọc được đóng chạy dài theo hướng đông - tây có tác dụng kè chống sụt lún tạo thành bờ thành của một con đường đi từ sân trên xuống một khu vực hồ, ao trũng thấp.

Lớp kiến trúc thứ hai nằm ở cao độ từ +56 đến +96cm là một cạnh của công trình kiến trúc thuộc rìa phía tây cung điện có độ dài gần 30m, gồm nền, bó nền, thềm phía tây kiến trúc và một đoạn tường trang trí không gian kiến trúc. Nền kiến trúc là một lớp chạt gồm sạn sỏi đá ong và sét đầm chặt, màu nâu thẫm, một số chỗ có dấu hiệu nền bị lún trong khi sử dụng và được bồi đắp thêm. Phía trong nền có một số hố chôn cột, trong đó có 2 hố còn dấu tích cột gỗ, cho phép xác định kiến trúc này sử dụng cột âm, tức chôn cột gỗ âm dưới nền thay vì sử dụng chân tảng như các giai đoạn sau. Bó nền hướng bắc lệch đông 200, có cao độ từ +61 đến +96cm, là hai hàng gạch xếp nghiêng được tận dụng từ các loại gạch bìa thời Bắc thuộc, hàng trong xếp hình răng cưa, hàng ngoài xếp bằng. Thềm phía tây của nền rải lớp chạt tương tự nền kiến trúc bên trong nhưng có cao độ xuất lộ thấp hơn từ 10-15cm, bắt đầu từ +46 đến +88cm. Trên thềm kiến trúc xuất lộ một số đoạn tường gạch đã bị phá khi kiến trúc còn đang được sử dụng, các đoạn tường này tạo những không gian cảnh quan đối xứng có lẽ có tác dụng trang trí cho kiến trúc ở đầu hồi phía tây của cung điện. Một số đoạn tường còn lại, chỗ cao nhất còn 12 hàng gạch, được xếp từ những viên gạch tận dụng lại gạch thời Đại La, trong kẽ tường có chèn một số mảnh sảnh thế kỷ 10, điểm xuất lộ cao nhất của đoạn tường +102cm, chân tường có cao độ +44cm, hiện chưa rõ công năng sử dụng. Dựa vào những mảnh sành kê chèn trong kiến trúc, có thể nhận định đây là cũng là nền kiến trúc cung điện thời Đinh ở thế kỷ X và xuất hiện khi nhà Đinh có nhu cầu thay đổi chức năng cũng như quy mô của một số công trình kiến trúc cung điện ở vị trí này.

Giữa lớp kiến trúc thứ nhất và thứ hai có một lớp bùn màu đen nhạt, thuần, mịn dày từ 30-50cm ngăn cách, cho biết khoảng cách thời gian xây dựng giữa hai lớp này có một sự gián đoạn khá dài hoặc sau khi xây dựng lại công trình kiến trúc của giai đoạn hai thì một số khu vực ở giai đoạn thứ nhất bị bỏ hoang hóa không sử dụng dẫn đến bị từ nhiên xâm thực trở lại.

Hình 1: Sơ đồ các hố khai quật ở Cố đô Hoa Lư năm 2021

anh tin bai

Hình 2: Quy hoạch Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê

 

 

anh tin bai

a

anh tin bai

b

Hình 3. Di tích kiến trúc ở khu vực cánh đồng Nội Trong

Lớp kiến trúc thứ ba thuộc về thời Tiền Lê xuất lộ trên toàn bộ bề mặt khu vực khai quật rộng 700m2 với các dạng hình: hai cấp nền sân kiến trúc lát gạch, rãnh thu nước, sân đắp bằng đất nện và móng bè bằng gỗ xuất lộ ở cao độ từ +87 đến +124cm. Nền sân kiến trúc xuất lộ ở cao độ từ +105 đến +124cm, được xây dựng bài bản với một lớp chạt sạn sỏi đá ong đầm chặt trên toàn bộ mặt sân, bên trên lớp đầm bằng sạn sỏi đá ong là một lớp gạch lát nền sân, đa số các viên gạch hình vuông mặt có trang trí hình bông sen hoặc chim phượng. Bề mặt sân gạch đã bị bóc dỡ toàn bộ các viên gạch lát nền, chỉ còn lại một vài cụm gạch bị bóc còn sót lại và một số dấu tích của viên gạch in trên nền đất; Rãnh thu nước xuất lộ trong khu vực khai quật có hình thước thợ, kỹ thuật xếp gạch hình chữ V, gạch tận dụng từ loại gạch bìa màu xám trước thế kỷ X (một vài viên có chữ Giang Tây Quân) và gạch thời Đinh - Tiền Lê (gồm gạch lát nền trang trí hoa sen và gạch bìa có viên còn nguyên chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên), đáy rãnh là lớp chạt đầm chặt tương tự nền kiến trúc: Rãnh số 1 chạy theo hướng bắc nam lệch tây 200, độ dài xuất lộ trong hố 25m, cao độ mặt rãnh từ +106 đến +125cm, đáy rãnh từ +106 đến +118cm; Rãnh số 2 có hướng đông tây, bắt vuông góc với rãnh số 1 ở đầu phía bắc khu vực khai quật, rãnh cao ở phía đông và thấp ở phía tây cho biết nền cao còn đang diễn tiến về phía đông hố đào, cao độ xuất lộ mặt rãnh từ +87 đến +111cm, đáy rãnh từ +78 đến +97cm. Phía bắc của rãnh số 2 có một số viên gạch lát nền kiến trúc (còn tiếp tục ăn về vách bắc hố đào, nơi đã xuất lộ nền kiến trúc ở hố khai quật H2 năm 1998); Phía tây của sân gạch  là lớp sân xuất lộ ở cao độ +83cm, được đắp bằng đất sét  dày trung bình 30cm trong có chứa ít mảnh gạch, ngói, sành sứ… thế kỷ X, dưới lớp đất này được lót một lớp cây bụi chống lầy thụt. Ở giữa sân còn thấy một lớp móng bè xuất lộ ở cao độ +72cm, là những thanh gỗ xếp ngang dọc, kích thước 1,3x1,3m. Kết quả khai quật ghi nhận nền sân gạch ở khu vực này có cao độ cao nhất trong toàn bộ khu vực nội đô Hoa Lư, lại phân bố ở vị trí trung tâm khu di tích, chính vì vậy chúng tôi nhận định rằng đây chính là sân rồng của chính điện Bách Bảo Thiên Tuế được sử sách ghi chép năm 984 hoặc Càn Nguyên khi được vua Lê Đại Hành đổi tên năm 992.

2.2. Kết quả khai quật khu vực phía nam Đền Đinh

Tại vị trí sát cạnh phía nam Đền Đinh chúng tôi mở một hố khai quật diện tích 20m2 (10x2m), ký hiệu H4, tọa độ 20°17'02.8"N - 105°54'19.7"E, hướng đông lệch nam 100, mặt hố có độ cao +172cm so với mực nước biển. Ở bên dưới lớp đất mặt, cao độ +122cm, xuất lộ một nền kiến trúc được đắp bằng vữa hồ dày trên 10cm (gồm sạn sỏi đá ong, vôi...) xen lẫn trong đó là những viên gạch có niên đại từ thế kỷ X về trước.

2.3. Kết quả khai quật ở cánh đồng Nội Trong

Tại vị trí cánh đồng Nội Trong, cách hai đền Đinh - Lê 600m về phía Tây Nam, một hố khai quật diện tích 120m2 (30x4m) được mở, ký hiệu H5, tọa độ 20°16'49.9"N - 105°54'15.7"E, hướng hố đông lệch nam 200. Ngoài ra, đoàn công tác còn dọn dẹp mặt bằng khu vực rộng 40m2 (10x4m) ở phía tây hố đào để làm rõ một khu vực nền kiến trúc lộ thiên. Như vậy, tổng diện tích nghiên cứu ở khu vực này là 160m2. Tại khu vực mở hố, việc thi công đào múc mặt ruộng làm công trình phục vụ du lịch đã làm lộ ra nền móng kiến trúc nằm ở cao độ xấp xỉ với mực nước biển hiện đại.

Nền kiến trúc xuất lộ từ cao độ +52 đến -2cm trở xuống, dùng cát sỏi laterite màu nâu sẫm trộn cùng đất và vỏ nhuyễn thể, trên bề mặt rải đầm thêm các mảnh gạch ngói vỡ vụn đắp trải rộng thành nền kiến trúc cung điện rất cứng chắc. Lớp gia cố nền có những vùng khá dày từ 30-35cm. Phần lớn trên bề mặt vẫn còn dấu răng gầu múc cho thấy nền đã bị đào xới mất đi ít nhiều. Trong khu vực hố đào, nền có xu hướng dốc nghiêng từ tây sang đông. Dưới nền là sinh thổ sét bùn nâu đen, dẻo quánh, cứng, mịn.

Trong phạm vi khai quật phát lộ 3 cụm cọc và gia cố cọc gỗ nằm gần thẳng hàng theo hướng đông tây, là cột nhà và cột móng kè của kiến trúc nhà cửa, cung điện, có cột đường kính trên 30cm, hầu hết các cọc đều bị gãy mục do tự nhiên và tác động của con người hiện đại. Cụm thứ nhất nằm ở giữa hố gồm 22 cọc chia thành 2 hàng chôn sâu vào sinh thồ, hướng đông tây, trong đó 7 cọc đường kính trung bình 30cm nằm ở phía bắc, số còn lại có đường kính từ 14-20cm được chôn ở phía nam có tác dụng kè đỡ hàng cọc ở phía bắc. Cụm thứ hai gồm 7 cọc được tạo thành cụm gần tròn nằm ở phía tây và cách cọc ngoài cùng của cụm 1 là 1,8m. Cụm thứ ba gồm 12 cọc nằm ở đầu phía tây hố đào, phân bố thành hai hàng tương tự cụm thứ nhất, trong đó hố mở nghiên cứu kỹ thuật đóng cọc ở đây ghi nhận các cọc chính có đường kính 30cm trở lên được đóng âm vào sinh thổ đến độ sâu -232cm (sâu 2,5m tính từ mặt nền kiến trúc), các cọc kè xung quanh được đóng đến độ sâu -139cm (sâu 1,8m từ mặt nền kiến trúc). Ngoài ra, ở phía ngoài hố đào về hướng tây còn thấy xuất lộ đầu cọc của một cụm cọc gỗ khác cũng có hướng phân bố thẳng hàng với ba cụm cọc đã phát lộ trong hố.

Di vật gồm các loại gạch, ngói, gốm sứ, sành… gồm nhiều niên đại kéo dài từ thời Bắc thuộc đến thời Đinh - Tiền Lê. Trong đó, hiện vật giai đoạn thế kỷ VII-IX có số lượng nhiều nhất.

2.4. Kết quả khai quật ở các khu vực khác

Đợt công tác còn thực hiện một số hố khai quật ở các vị trí khác nhau thuộc phạm vi khu di tích Cố đô Hoa Lư như ở cánh đồng Lũy Dung giữa Đền Đinh và Đền Lê, tọa độ 20°17'07.5"N - 105°54'18.1"E; ở cánh đồng Cây Khế phía sau Đền Lê, tọa độ 20°17'11.0"N - 105°54'16.2"E; thăm dò 3 hố ở khu vực phía trước Ngọc Nữ Lâu. Tại các địa đểm trên đều phát hiện dấu tích của nền sân đất đắp thuộc giai đoạn thế kỷ X.

(Còn nữa)

  • Từ khóa :
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...