image banner
Kết quả khai quật nghiên cứu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) năm 2021 (Phần cuối)
Lượt xem: 146

5. Đặc trưng di tích Cố đô Hoa Lư qua kết quả khai quật năm 2021

Đợt khai quật ở Di tích Cố đô Hoa Lư năm 2021 đã làm xuất lộ nhiều vết tích kiến trúc mới cùng nhiều loại hình di vật góp phần đưa đến những nhận thức mới làm rõ hơn về đặc trưng giá trị lịch sử văn hóa của kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc.

- Cố đô Hoa Lư là nơi có tích tụ văn hóa từ nhiều giai đoạn lịch sử, kéo dài hàng trăm năm. Tầng văn hóa di tích là tích tụ của ít nhất 3 thời kỳ lịch sử thời Bắc thuộc, thời Đinh và thời Tiền Lê. Trong đó, thời Bắc thuộc, sự hiện diện của một số di vật là vật liệu kiến trúc ghi nhận ở Cố đô Hoa Lư có thể có niên đại khởi đầu từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Kèm theo các phế tích kiến trúc là các cụm vật liệu xây dựng chủ yếu thuộc hai giai đoạn trước và sau thế kỷ X; nhóm hiện vật gia dụng chủ yếu là đồ gốm men thời Tống thế kỷ IX-X, đồ sành mang đặc trưng thế kỷ X được sản xuất tại chỗ. Kết quả khai quật ghi nhận khả năng Cố đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đã từng là trị sở của huyện Vô Công/Vô Thiết thời Hán như sử sách chép lại. Nhận định này được củng cố bởi kết quả phân tích hai mẫu niên đại C14 cho kết quả khoảng thế kỷ I-III ở vị trí bên dưới nền kiến trúc thời Đinh trong khu cánh đồng phía nam Đền Lê, có độ sâu khoảng 2m so với mặt đất hiện đại.

- Di tích kiến trúc xuất lộ trong các đợt khai quật năm 2021 là những dấu tích nền móng của công trình kiến trúc có quy mô lớn của nhiều giai đoạn lịch sử chồng xếp lên nhau. Ở vị trí Cánh đồng phía nam Đền Lê đã phát lộ những dấu tích của ba lớp kiến trúc cung điện thuộc hai thời kỳ Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau, trong đó kiến trúc thời Tiền Lê có quy mô đồ sộ nhất. Ở vị trí cánh đồng Nội Trong đã phát hiện những dấu tích kiến trúc thời Bắc thuộc là chứng cứ rõ ràng của một khu trị sở là trung tâm của đất Trường Châu thời Tùy - Đường ở thế kỷ VII - IX. Như vậy, đến với Khu di tích Cố đô Hoa Lư hôm nay những giá trị lịch sử văn hóa cơ bản không chỉ là hai hạng mục kiến trúc chính là Đền Đinh và Đền Lê thờ hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành cùng không gian xung quanh có lịch sử khởi dựng ở những giai đoạn lịch sử sau này nhằm tưởng nhớ đến những công lao đóng góp của hai vị vua vào lịch sử dân tộc; mà chúng ta còn có thể thấy những chứng tích vật chất nền móng cung điện thời Bắc thuộc, thời Đinh, thời Tiền Lê có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ X là minh chứng rõ ràng cho một thời vàng son của một vùng đất, một Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc.

- Di vật khảo cổ từ đợt khai quật phản ảnh trình độ kỹ thuật và sự giao lưu, giao thoa văn hóa của cư dân Đại Việt trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên. Di vật khảo cổ gồm vật liệu kiến trúc và đồ gia dụng/ngự dụng, trong đó vật liệu kiến trúc gạch, ngói là nhóm được tìm thấy nhiều nhất cho đến nay.

Gạch ở Cố đô Hoa Lư tựu trung có hai nhóm gạch Bắc thuộc và gạch thời Đinh - Tiền Lê. Đặc trưng của gạch thời Đinh - Tiền Lê đều có màu đỏ tươi, đỏ vàng, đa phần có chất liệu khá mịn, chắc, nhưng độ nung không cao nên khi nằm lâu trong lòng đất thường bị mềm, bở và rất dễ bị mủn nát. Nó khác hẳn với nhóm gạch giai đoạn trước thế kỷ X có màu chủ đạo là xám, xám đen trên thân mộ số viên còn in chữ Giang Tây quân hoặc Giang Tây chuyên. Có thể thấy rằng mặc dù kỹ thuật làm gạch được người Trung Quốc mang sang nhưng bước vào thế kỷ X, người Việt đã hoàn toàn sản xuất theo tiêu chuẩn riêng của mình. Gạch ở Hoa Lư, đặc biệt là nhóm gạch hình chữ nhật, có kích thước nhỏ hơn một chút so với gạch thời Bắc thuộc và sự khác biệt trong kỹ thuật nung khiến màu sắc tươi tắn hơn. Mà dấu tích để lại chứng minh được thể hiện rõ ràng trên thân một số viên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên - gạch chuyên dùng để xây thành của nước Đại Việt. Các mô típ trang trí hình hoa sen mãn khai và hình chim phượng đối xứng trên gạch lát nền cũng lần đầu tiên được phát hiện trong hệ thống vật liệu kiến trúc thời độc lập tự chủ.

Ngói ở Hoa Lư thu được một số lượng lớn mảnh ngói các loại. Trong đó, loại ngói Bắc thuộc chủ yếu có màu xám, nâu xám kích cỡ lớn. Giai đoạn sau các loại ngói mặc dù vẫn mang phong cách của giai đoạn trước nhưng chất liệu, phong cách trang trí trên đầu ngói đã có sự chuyển biến. Chất liệu sản xuất là đất nung khá mịn, màu đỏ gạch hoặc nâu đỏ, độ nung tương đối cao. Phong cách trang trí chủ đạo là hoa sen với những đường nét mềm mại, uyển chuyển và tinh tế, bắt đầu xuất hiện dạng trang trí tượng uyên ương trang trí trên bộ mái kiến trúc.

Tóm lại, nghiên cứu vật liệu kiến trúc ở Cố đô Hoa Lư có thể nhận thấy sự vươn lên làm chủ kỹ thuật sản xuất vật liệu kiến trúc và nắm bắt nghệ thuật kiến trúc của người Việt. Đó là một quá trình vừa duy trì, phát triển kiến trúc cổ truyền, vừa tiếp thu những tinh hoa kỹ thuật mới, từ đó tạo nên một phong cách kiến trúc riêng của Việt Nam ở thế kỷ X.

- Những di tích, di vật khảo cổ phát hiện qua cuộc khai quật năm 2021 vừa qua và những cuộc khai quật trước đó đã góp phần phản ánh sinh động công cuộc dựng nước và giữ nước, cũng như đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trị sở hành chính của chính quyền Bắc thuộc và sau đó là kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ X lịch sử. Các nguồn tài liệu thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc về địa danh học lịch sử của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh cho biết vùng đất Ninh Bình thời thuộc Hán (111 trước CN - 203) một phần thuộc huyện Câu Lậu quận Giao Chỉ và một phần thuộc huyện Vô Công; và là đất Trường Châu thời thuộc Đường (Đào Duy Anh 1994). Các đợt khai quật trước đây trong khu vực Cố đô Hoa Lư cũng đã phát hiện những dấu hiệu của một giai đoạn Bắc thuộc từ thế kỷ V đến trước thế kỷ X (Tống Trung Tín và nnk 1999: 44-61). Đợt khai quật năm 2021 tiếp tục phát hiện những dấu tích rõ ràng của di tích, di vật có niên đại từ đầu Công nguyên đến giai đoạn Đại La, cho phép nhận diện về một khu trị sở cấp châu, huyện trước thế kỷ X ở vùng đất này. Đồng thời, ở khu vực cánh đồng phía nam Đền Lê đợt khai quật năm 2021 đã làm xuất lộ một khu vực nền sân gạch được tôn đắp rất cao, bên trên có lát gạch hoa trang trí hoa sen và chim phượng nằm ở vị trí trung tâm của thung lũng Hoa Lư có vị thế cao ráo, thoáng đãng, khả năng là nơi đặt các kiến trúc chính có vai trò quan trọng của Hoàng cung như điện Bách Bảo Thiên Tuế được xây dựng năm 984 hoặc điện Càn Nguyên được chính sử nhắc đến năm 992.

- Cuộc khai quật khảo cổ trong năm 2021 ở Hoa Lư đã xác định Kinh đô Hoa Lư xưa gồm các phân khu Cấm thành, Hoàng thành… được bố trí rõ ràng. Từ những tư liệu đã thu được có thể xác định quy hoạch Kinh thành Hoa Lư gồm hai khu vực Thành Nội và Thành Ngoại. Thành Nội là khả năng là khu doanh trại nên không phát hiện các công trình kiến trúc kiên cố được xây bằng gạch, ngói. Thành Ngoại là khu trung tâm của Kinh đô Hoa Lư, gồm hai khu vực Cấm thành và Hoàng thành. Toàn bộ hai khu Thành Nội và Thành Ngoại đều được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi tự nhiên bao quanh cùng với những bức tường thành nhân tạo nối các đoạn trũng giữa các núi.

Cấm thành có diện tích gần 40ha, phân bố từ ngòi Chẹm đến hết cánh đồng Nội Trong, mà bức tường ngăn cách giữa Cấm thành và Hoàng thành là tường Ngòi Chẹm đã được các nhà khảo cổ phát hiện và nghiên cứu năm 1992. Tường Ngòi Chẹm nằm dọc theo và liền kề dòng chảy của Ngòi Chẹm về phía nam của thôn Yên Thành, ở đây đã tìm thấy móng bè được kết cấu bởi hàng trăm cây gỗ lớn rất vững chắc và đoạn tường thành chạy theo hướng đông - tây với độ dài đã xác định là 25,6m, kỹ thuật xây dựng rất công phu, tường được xây cả hai mặt bắc và nam, dày tới 3,4m, được xếp bởi các hàng gạch chữ nhật đều đặn. Cấm thành có vị trí cực kỳ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của vua, hoàng tộc, đến các cung điện… nên được xây dựng công phu, khác với tường thành ở các khu vực khác (Đặng Công Nga, Hồ Đức Thọ 1992: 117-118). Đợt khai quật năm 2009 - 2010, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện những tường phân khu nội đô kết nối với bức tường Ngòi Chẹm và ghi nhận đây là những bức tường liên quan đến các công trình kiến trúc cung điện đã được nhắc đến trong sử cũ (Nguyễn Văn Đoàn 2010: 107-133). Trong Cấm thành, các cung điện được xây dựng trong khu vực đất cao nằm ở giữa thung lũng, chiều dài phân bố 700m, hướng bắc nam lệch tây 200, là hướng của các kiến trúc xuất lộ trong các hố đào qua các đợt khai quật. Xung quanh khu đất là các vùng đất trũng lầy thụt tiếp giáp với chân núi.

Hoàng thành nằm ở phía bắc Cấm thành, hiện là khu vực từ Cổng Bắc di tích Cố đô Hoa Lư đến núi Cột Cờ, có thể là nơi ở của giới Tăng lữ, Quý tộc và tướng lĩnh cấp cao. Các di tích còn lại là Chùa Nhất Trụ có lẽ xưa là nơi ở của các thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo… và các Phủ đệ nay là nơi thờ tự được người dân quanh năm hương khói phụng thờ. Đặc biệt việc ngôi chùa Nhất Trụ, nơi còn lưu giữ cột kinh Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995, có vị trí ở phía bắc ngòi Chẹm, cách Đền thờ vua Lê chỉ khoảng 200m là một trong những chỉ dấu quan trọng cho biết khu vực phía bắc ngòi Chẹm (phía ngoài công Bắc di tích Cố đô Hoa Lư) là khu vực Hoàng thành, nơi các tăng lữ và quý tộc cư trú. Các nhà khảo cổ cũng ghi nhận trong khu vực chùa Nhất Trụ hiện nay, kết quả khảo sát, điền dã đã phát hiện những dấu tích nền móng kiến trúc như móng trụ vuông (1,3 x 1,3m) cao 1,75m được làm bằng đá và gỗ (Đặng Công Nga, Hồ Đức Thọ 1992: 117-118; Tống Trung Tín 2018: 746-761). Những năm gần đây, người dân địa phương khi xây dựng và cải tạo các công trình dân dụng cũng phát hiện nhiều di vật dạng vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, cột gỗ… có những nơi gạch được xếp thành cả đoạn tường dài. Trong tương lai, nếu có điều kiện mở rộng khai quật nghiên cứu khảo cổ ở khu vực chùa Nhất Trụ, chắc chắn sẽ phát hiện được những dấu tích của công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ X còn lưu dấu trong lòng đất. Một số địa điểm khác như Phủ Vườn Thiên hiện ở thôn Đông, xã Trường Yên thờ Kình Thiên đại vương Lê Long Thâu; Phủ Đông Vương tại thôn Vàng Ngọc, xã Trường Yên thờ Đông Thành đại vương Lê Long Tích; hay Phủ Bà Chúa (đền thờ Công chúa Phất Kim) ở thôn Nam, xã Trường Yên… đều nằm ở khu vực Hoàng thành. Những di tích kiến trúc còn lưu dấu ở trên phần nào cho chúng ta thấy một vài hình ảnh xưa cũ của khu vực Hoàng Thành Hoa Lư trong lịch sử.

Thành Nội Hoa Lư hiện thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Kết quả khảo sát điền dã khảo cổ ở khu vực này không phát hiện vết tích di tích kiến trúc nào cho phép liên tưởng rằng ở nơi đây có những công trình kiến trúc phục vụ hoàng gia và tăng lữ, quý tộc. Thành Nội thực tế là một thung lũng núi nằm giữa sông Hoàng Long và Thành Ngoại. Giữa Thành Nội và Thành Ngoại ngăn cách bởi Quèn Vông (nằm về phía tây nam đền Đinh, đền Lê hiện nay), quèn cao hơn mặt đất khoảng 5m nhưng gần đây đã bị người dân địa phương phá lấy đường giao thông và làm ngòi dẫn nước từ phía sông Hoàng Long vào cánh đồng Nội Trong. Theo Lã Đăng Bật, Thành Nội còn có tên Thư Nhi Xã hay Khố Nhi Xã, là nơi ở của gia đình các quan lại, các kho tàng và là nơi đóng quân thời Đinh - Tiền Lê (Lã Đăng Bật 2018: 19). Những nhận định trên khá tương đồng với những nhận định của chúng tôi rút ra từ kết quả điền dã khảo cổ tại thực địa rằng Thành Nội khả năng là khu doanh trại của quân đội thời Đinh - Tiền Lê. Từ nơi đây, thủy binh nhà Đinh - Tiền Lê dễ dàng tiến ra sông Hoàng Long hoặc thu quân về bảo vệ Cấm thành theo lệnh điều động của các vị vua Đinh, vua Lê ở phía bên kia Quèn Vông.

- Những di tích, di vật có trang trí ở thời Đinh - Tiền Lê đã định hình một phong cách nghệ thuật mới - nghệ thuật Hoa Lư trong dòng chảy văn minh Đại Việt, thoát khỏi khuôn mẫu của nghệ thuật Bắc thuộc và là nền tảng cho nghệ thuật Lý - Trần phát triển rực rỡ ở các giai đoạn sau. Tại Cố đô Hoa Lư, lần đầu tiên đã xuất hiện hình tượng con rồng. Hình tượng rồng đầu tiên là trang trí hình tượng Lý ngư hóa long trên một chiếc thuyền tán thuốc phát hiện ở cánh đồng phía nam Đền Lê năm 2021. Hình tượng rồng cũng đã được phát hiện trong một cấu kiện gỗ phát hiện ở Ngòi Chẹm trong cuộc khai quật năm 1992 trên đó chạm khắc một đầu rồng khoẻ mạnh, từ bờm, đến các hàng tóc đều mềm mại, miệng nổi gờ tròn như miệng cá chép, mảng chạm khá lớn, phủ kín bề mặt cấu kiện rộng 64cm, dài 130cm (Đặng Công Nga, Hồ Đức Thọ 1992: 117-118). Những hiện vật trên đã góp phần minh xác nghệ thuật trang trí hình rồng đã xuất hiện từ thế kỷ X. Đồng thời, trang trí mô típ hoa sen, chim phượng trên gạch lát nền hay uyên ương trang trí trên bộ mái kiến trúc ở Hoa Lư mặc dù vẫn nằm trong kho tàng chung của mỹ thuật Việt Nam và nhân loại nhưng vẫn mang đặc trưng rõ nét của mỹ thuật Hoa Lư thế kỷ X: Hoa sen thể hiện thon dài, thanh tú; chim phượng được thể hiện đơn giản bằng những vạch cong mềm mại có độ dài ngắn khác nhau nhưng hiệu quả, thể hiện thế bay thoáng đẹp; uyên ương thô khỏe, hùng dũng... Những đặc điểm trên không thấy trên mỹ thuật Lý và cũng không thấy trong các nền mỹ thuật láng giềng. Đó là đặc điểm của nghệ thuật Việt Nam thế kỷ X.

Với những tư liệu thu được từ đợt công tác năm 2021 có thể khẳng định Hoa Lư ở thế kỷ X là một kinh đô có quy mô to lớn lộng lẫy của nhà nước độc lập tự chủ với khát vọng vươn lên mạnh mẽ thể hiện qua tên gọi Nhà nước Đại Cồ Việt; nghệ thuật Đại Cồ Việt; thành, ngói, gốm men Đại Cồ Việt... và bóng dáng của một đô thành quy hoạch hết sức nghiêm cẩn đường nét cân đối, bài bản mang bản sắc và trầm tích văn hóa của một thời kỳ dài hàng trăm năm là trị sở của một vùng đất có tính chất quan trọng về nhiều mặt địa chính trị, địa quân sự, địa văn hóa. Những phát hiện khảo cổ ở Cố đô Hoa Lư đã thay đổi những nhận thức từ trước đến nay cho rằng quy mô của Hoa Lư rất nhỏ bé như sứ giả nhà Tống đã mô tả trong Tống sử, góp phần phản ánh sinh động hơn lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như đời sống văn hóa cung đình, hé mở phần nào diện mạo của một trị sở hành chính của chính quyền Bắc thuộc và kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ X lịch sử.

Tóm lại, kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2021 đã thu thập thêm nhiều tư liệu quan trọng góp phần giải ảo lịch sử về Kinh đô Hoa Lư với một vai trò không thể thay thế trong lịch sử dân tộc, là mạch nguồn hình thành Kinh đô Thăng Long và nghệ thuật Lý - Trần phát triển rực rỡ trong lịch sử - nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị lịch sử văn hóa quý báu đã hiển hiện, mảnh đất Hoa Lư - Ninh Bình vẫn còn nhiều còn nhiều bí ẩn vẫn còn nằm trong lớp mây mù lịch sử chưa được hiểu hết. Hoa Lư - Ninh Bình là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc trong lòng đất đang chờ được nghiên cứu làm rõ nhằm bổ sung đầy đủ hơn nhận thức về thời Đinh - Tiền Lê và giai đoạn Nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử hào hùng của dân tộc./.

TÀI LIỆU DẪN

  1. DDAOF DUY ANH 1994. Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Thuận Hóa, Huế.
  2. Lã Đăng Bật 2018, Nhân vật lịch sử Kinh đô Hoa Lư 968 - 1010, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993.
  4. Nguyễn Văn Đoàn (2010), Khai quật di tích cố đô Hoa Lư 2009 - 2010: kết quả và vấn đề. Khảo cổ học (số 3): 107-133.
  5. Nguyễn Thị Mai Hương và nnk 2021, Báo cáo phân tích phấn hoa Di tích Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, Bài gửi Hội nghị Thông báo NPHMVKCH năm 2021.
  6. Đặng Công Nga, Hồ Đức Thọ 1992, Những phát hiện mới tại cố đô Hoa Lư - Hà Nam Ninh, NPHMVKCH năm 1991, Nxb KHXH, Hà Nội: 117-118
  7. Tống Trung Tín (1987), Vật liệu kiến trúc Việt Nam trong 10 thế kỷ sau Công nguyên, KCH số 4: 60-68
  8. Tống Trung Tín 2018, Di sản cố đô Hoa Lư - Các giá trị lịch sử và văn hóa qua các phát hiện khảo cổ học, Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb KHXH, Hà Nội: 746-761.
  9. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Lê Thị Liên (1999), Kết quả thám sát và khai quật di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) 1998, KCH, số 2: 44-61.
  10. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng và  Lê Thị Liên 1998, Thám sát khai quật khu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) năm 1998, NPHMVKCH năm 1998, Hà Nội: 525-527.

 

  • Từ khóa :
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...